5 vấn đề nên rõ ràng trước khi kết hôn với nhau
Hôn nhân không chỉ là một nghi lễ đánh dấu mối quan hệ tình cảm, mà còn là một bước ngoặt lớn trong đời sống mỗi cá nhân và gia đình. Nhiều cặp đôi tin rằng yêu nhau đủ lâu là lý do hợp lý để cưới nhau, nhưng tình yêu không thể thay thế cho sự chuẩn bị. Trước khi đi đến hôn nhân, có ít nhất 5 vấn đề nên rõ ràng trước khi kết hôn, hai người nên cùng ngồi lại và làm rõ với nhau không phải để soi xét, mà để xây nền móng vững chắc cho cuộc sống chung sau này.
1. Tài chính nên minh bạch
Nhiều cặp đôi ngại nói chuyện tiền bạc vì sợ nó làm mất đi sự lãng mạn. Tuy nhiên, trong hôn nhân, tài chính lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mâu thuẫn. Trước khi cưới, hai người cần nói rõ với nhau về tình hình tài chính cá nhân: thu nhập, nợ nần, kế hoạch tiết kiệm, quan điểm về tiêu dùng và đầu tư.
Một câu hỏi đơn giản nhưng quan trọng: “Sau khi cưới, tiền của ai giữ? Chi tiêu chung thế nào? Có nên có quỹ riêng không?”, nếu không bàn bạc kỹ, sẽ dễ nảy sinh hiểu lầm và nghi kỵ sau này. Ngoài ra, những mục tiêu lớn như mua nhà, sinh con, du lịch hay chăm sóc cha mẹ đôi bên… cũng cần được đưa ra để hoạch định trước, thay vì để mọi thứ đến đâu tính đến đó.


2. Quan điểm sống và mục tiêu tương lai
- Một cặp đôi yêu nhau say đắm vẫn có thể tan vỡ sau hôn nhân nếu không có sự đồng điệu trong cách sống và định hướng cuộc đời. Trước khi về chung một mái nhà, cả hai nên cùng nhau trả lời những câu hỏi:
- Bạn muốn sống ở thành thị hay nông thôn?
- Ưu tiên sự nghiệp hay dành thời gian cho gia đình?
- Mỗi người định hướng cuộc sống thế nào trong 5–10 năm tới?
- …
Sự khác biệt là điều bình thường, nhưng nếu không nhận thức và tôn trọng sự khác biệt ấy từ đầu, những bất đồng nhỏ sẽ tích tụ thành khoảng cách lớn. Hôn nhân là hành trình dài, nếu không cùng chí hướng thì cả hai sẽ khó đi được lâu dài hoặc sẽ phải đánh đổi nhiều điều quan trọng của bản thân để giữ mối quan hệ, dẫn đến sự mệt mỏi và tiếc nuối.
3. Ranh giới và sự tôn trọng đối với hai bên nội ngoại
Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, mà còn liên quan mật thiết đến mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em của cả hai bên. Trước khi cưới, việc bàn bạc rõ ràng về cách ứng xử với gia đình hai bên là cần thiết để tránh những va chạm sau này.
Ví dụ: Sẽ sống riêng hay sống chung với cha mẹ? Có thường xuyên về quê hay không? Quan điểm của mỗi người về việc phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu? Ai là người ưu tiên giải quyết khi có xung đột giữa gia đình và vợ/chồng?
Đây là những điều tưởng chừng nhỏ, nhưng lại rất thực tế và có ảnh hưởng lớn đến đời sống hôn nhân. Thiết lập ranh giới hợp lý và đồng lòng trong cách ứng xử với gia đình hai bên sẽ giúp cặp đôi giữ được sự hài hòa và tôn trọng lẫn nhau khi chung sống.


4. Có sinh không, sinh khi nào và nuôi dạy ra sao?
Không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện họ khác nhau hoàn toàn trong mong muốn có con, thời điểm sinh con, hoặc cách nuôi dạy con cái. Vì thế, cần làm rõ quan điểm về con cái trước khi cưới là điều hết sức cần thiết.
Một số vấn đề nên được trao đổi:
- Cả hai có thực sự muốn có con không?
- Nếu có, thì mong muốn sinh mấy con? Sinh khi nào?
- Nếu không thể sinh con tự nhiên, có đồng ý làm IVF hoặc nhận con nuôi không?
- Quan điểm giáo dục con cái như thế nào (kỷ luật – tự do, truyền thống – hiện đại)?
- Ai sẽ là người chăm con chính? Có chấp nhận gửi con cho ông bà hoặc thuê người trông con khi vợ chồng đi làm sau khi hết thời gian nghỉ thai sản?
- …
Sự đồng thuận trong vấn đề này không chỉ tránh được những xung đột trong tương lai, mà còn là tiền đề để xây dựng một môi trường ổn định, tích cực cho đứa trẻ nếu hai người chọn làm cha mẹ.
5. Cách giải quyết mâu thuẫn
Không một đôi vợ chồng nào khi sống chung với nhau mà không bao giờ xảy ra mâu thuẫn lớn, nhỏ nào. Vấn đề không nằm ở việc có bất đồng hay không, mà là cách hai người xử lý mâu thuẫn như thế nào. Trước khi kết hôn, nên thẳng thắn trao đổi về cách giải quyết nếu có mâu thuẫn xảy ra. Ví dụ như: khi cãi nhau cũng không được đập cửa bỏ đi hay sử dụng vũ lực để giải quyết mà chỉ được im lặng bình tính lại chờ nguôi ngoai rồi thì ngồi lại nói chuyện và tìm cách giải quyết với nhau…
Một mối quan hệ lành mạnh không đòi hỏi lúc nào cũng hòa thuận, mà cần có khả năng giao tiếp hiệu quả khi bất đồng xảy ra. Học cách lắng nghe nhau, không nói lời tổn thương, không im lặng kéo dài hay rút lui khi chưa giải quyết triệt để – tất cả những kỹ năng đó phải được luyện tập từ trước, không thể chờ đến khi cưới mới bắt đầu.
Ngoài ra, nên xác định trước khi nào cần sự can thiệp của bên thứ ba (chuyên gia tâm lý, người thân…) và cam kết không để mâu thuẫn leo thang thành bạo lực hay xúc phạm lẫn nhau.
Đây không phải là những “cuộc nói chuyện căng thẳng”, mà là thể hiện sự nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau. Nếu hai người có thể nói chuyện thoải mái về những chủ đề đó, có thể lắng nghe và thỏa hiệp khi cần thiết, thì đó đã là dấu hiệu tốt của một nền tảng hôn nhân bền vững. Bài viết trên đây đã đề cập đến 5 vấn đề nên rõ ràng trước khi kết hôn, các bạn có thể tham khảo.