Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn
Phân chia tài sản sau khi ly hôn là một vấn đề gặp phải khi các cặp vợ chồng giải quyết ly hôn. Nếu hai bên vợ và chồng không thể tự thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Tranh chấp tài sản sau ly hôn là gì?
Tranh chấp tài sản sau ly hôn là tranh chấp về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng khi tiến hành ly hôn mà các bên đương sự không thể tự thỏa thuận được về vấn đề tài sản và yêu cầu Tòa giải quyết .
Trường hợp khi ly hôn thì các bên đương sự không yêu cầu giải quyết về tài sản nhưng sau khi ly hôn thì hai bên đương sự lại xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích trong việc phân chia tài sản, không thể tự thỏa thuận để đưa ra được kết quả chung và cần Tòa án giải quyết.
2. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Theo nguyên tắc thì khi ly hôn, phần tài sản chung sẽ được giải quyết dựa theo sự thỏa thuận, thống nhất của các bên đương sự là vợ và chồng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa sẽ áp dụng nguyên tắc cơ bản đó là chia đôi phần tài sản chung của vợ và chồng.
Tuy được xác định là chia đôi nhưng không phải trường hợp nào cũng theo nguyên tắc 50/50, mà còn phải phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
- Yếu tố gia cảnh của vợ, chồng;
- Các phần đóng góp của vợ và chồng vào khối tài sản chung trong quá trình chung sống;
- Xác định yếu tố lỗi trong việc vi phạm nghĩa vụ vợ chồng đã được Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định;
- Đảm bảo cho lợi ích của các bên trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tiếp tục hoạt động lao động tạo ra thu nhập.
Đối với tài sản riêng thì vẫn sẽ thuộc về chủ sở hữu của tài sản riêng đó.
3. Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn
Tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn thì có thể nhờ vào sự can thiệp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên trong trường hợp sau khi đã hòa giải, thương lượng nhưng vẫn không đạt được kết quả thì một trong hai bên đương sự có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn gồm:
– Đơn khởi kiện được soạn theo mẫu pháp luật quy định;
– Bản sao hợp lệ của chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu của nguyên đơn (vợ hoặc chồng);
– Bản sao hợp lệ chứng minh thư/thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc những giấy tờ có giá trị pháp lý tương tự được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của bị đơn;
– Bản kê khai về tài sản đang tranh chấp về yêu cầu giải quyết (Tài sản chung hoặc tài sản riêng) đã được công chứng hợp lệ;
– Bản sao quyết định ly hôn.
Trong trường hợp tranh chấp về tài sản riêng thì phải cung cấp thêm các loại giấy tờ chứng minh tài sản đó là tài sản riêng.
4. Thủ tục giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn
Để giải quyết tranh chấp tài sản sau khi ly hôn thì phải thực hiện theo các bước dưới đây, bao gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
– Người khởi kiện (Nguyên đơn) chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm có các giấy tờ theo nội dung phía trên;
– Nộp án phí theo quy định.
Bước 2: Nơi nộp hồ sơ.
Nguyên đơn tiến hành nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp Quận/huyện theo luật định hoặc theo thỏa thuận;
– Nếu đối tượng tranh chấp ở đây là bất động sản thì nguyên đơn phải nộp hồ sơ khởi kiện ở Tòa án nhân dân nơi có bất động sản đang tranh chấp;
– Nếu tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp Huyện sẽ không có thẩm quyền giải quyết.
Bước 3: Giải quyết vụ án.
Tòa án có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ khởi kiện và tiến hành thủ tục giải quyết, mở phiên tòa xét xử
Thời gian giải quyết vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn vào khoảng 4 tháng đến 6 tháng, tùy thuộc vào đối tượng tài sản và mức độ phức tạp của vụ án.