Con cái là tấm gương phản chiếu cách cha mẹ nuôi dạy
Một đứa trẻ lớn lên trong sự dạy dỗ, yêu thương của cha mẹ, chúng sẽ học cách yêu thương, cư xử, giải quyết vấn đề và đối diện với cuộc sống chủ yếu giống với cách cha mẹ đã làm bằng cách quan sát cha mẹ mình. Nói cách khác, con cái là tấm gương phản chiếu cách cha mẹ nuôi dạy, cách bạn nói chuyện, phản ứng khi căng thẳng, quan tâm người khác hay cả những thói quen nhỏ như giữ lời hứa, nói cảm ơn… tất cả đều trở thành khuôn mẫu hình thành nên nhân cách và hành vi của trẻ bởi chúng nhìn thấy mỗi ngày.
1. Trẻ em học từ hành vi hơn là lời nói
Một sai lầm phổ biến của nhiều bậc cha mẹ là chỉ dạy con bằng lời nói, trong khi hành động thì lại trái ngược. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu con không được nói dối, nhưng lại để con nghe thấy bạn nói dối một cách vô hại nào đó, đứa trẻ sẽ nhớ hành động đó hơn là lời dạy. Trẻ em rất nhạy cảm với sự mâu thuẫn và điều này dần khiến các giá trị mà cha mẹ cố truyền đạt trở nên thiếu thuyết phục. Do đó, thay vì chỉ nói “hãy lễ phép”, bạn cần chính mình là người lễ phép trong giao tiếp hàng ngày.


2. Ảnh hưởng từ thái độ sống của cha mẹ
Thái độ sống tích cực hay tiêu cực của cha mẹ cũng dễ dàng truyền sang con trẻ. Một người mẹ hay cáu gắt, than vãn sẽ dễ khiến con hình thành xu hướng phản ứng tiêu cực với môi trường xung quanh. Ngược lại, một người cha biết bình tĩnh xử lý tình huống, tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm chính là “người thầy vô hình” dạy con kỹ năng làm người từ rất sớm. Trong một ngôi nhà thường xuyên có sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, trẻ cũng sẽ học được cách ứng xử hòa nhã và thấu cảm với người khác.
3. Lối sống và thói quen cũng được sao chép
Không chỉ nhân cách, mà lối sống, cách sinh hoạt cũng ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ. Trẻ có cha mẹ biết ăn uống điều độ, giữ gìn sức khỏe và đọc sách sẽ có xu hướng lặp lại các thói quen đó trong tương lai. Ngược lại, nếu trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ lệ thuộc điện thoại, ngủ trễ, ăn uống thất thường… thì những thói quen đó cũng sẽ dễ dàng lặp lại. Trong giai đoạn hình thành nhận thức, trẻ không biết đâu là “nên” hay “không nên”, mà chỉ đơn giản muốn bắt chước người mình tin tưởng nhất đó là cha mẹ.
4. Tác động trong việc xử lý cảm xúc và mâu thuẫn
Cách cha mẹ tranh luận, giải quyết mâu thuẫn cũng là bài học trực tiếp cho con trong cách đối mặt với bất đồng quan điểm. Nếu trong gia đình, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết bằng sự im lặng kéo dài hoặc tiếng quát mắng, đập phá, thì con sẽ tin rằng đó là cách xử lý đúng khi đối mặt với mâu thuẫn ngoài xã hội. Ngược lại, nếu cha mẹ biết ngồi lại, lắng nghe và thỏa hiệp, con cũng sẽ học được kỹ năng giao tiếp cảm xúc, một năng lực xã hội cực kỳ quan trọng.


5. Nuôi dạy bằng sự đồng hành
Việc kiểm soát quá mức dễ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, mất tự tin hoặc hình thành tâm lý chống đối. Cha mẹ hiện đại cần hiểu rằng, nuôi dạy con không phải là điều khiển con theo khuôn mẫu có sẵn, mà là làm bạn đồng hành, dẫn dắt và tạo không gian để con phát triển lành mạnh. Bạn không cần trở thành một “siêu cha mẹ” hoàn hảo, nhưng cần là một người tử tế, nhất quán và có trách nhiệm. Khi bạn kiên định, yêu thương đúng cách và tôn trọng con như một cá thể độc lập, đứa trẻ sẽ phát triển với sự tự tin, trách nhiệm và lòng nhân ái.