Khi bị bạn đời bạo hành thì phải làm sao?
Bạo lực gia đình, không phải trường hợp hiếm gặp vì nó xảy hàng ngày, chúng ta có thể gặp thường xuyên trong chính gia đình của mình hoặc những gia đình xung quanh. Vậy khi bị bạn đời bạo hành thì phải làm sao? Đây là câu hỏi mà chính những người là nạn nhân của bạo lực gia đình luôn tự hỏi hoặc người chứng kiến đặt ra. Để giải đáp thắc mắc này, xin mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Thời kỳ trước quan niệm trọng nam khinh nữ đã khiến những người phụ nữ luôn bị chèn ép, mất bình đẳng họ luôn phải chịu đựng sống cho chồng cho con, dù bị chồng đánh chửi cũng không dám phản kháng. Đàn ông so về sức lực thường khỏe hơn phụ nữ nên nên khi có xảy ra tranh chấp họ thường dùng tay chân để đấm đá vợ mình và bắt người vợ nghe theo mình mà không được phản kháng.
Hiện nay, xã hội ngày càng bình đẳng, phụ nữ dần khẳng định được mình và lấy lại sự công bằng trong xã hội, nên khi bị bạo lực người vợ đã dám đứng lên chống trả chứ không phải chỉ biết cam chịu như trước kia. Tuy nhiên, hành vi bạo lực gia đình không vì thế mà chấm dứt, do thể chất nữ giới vốn không tốt bằng năm giới nên khi người chồng ra tay đánh vợ của mình khi không vừa ý thì người phụ nữ vẫn chịu thiệt hơn. Nhất là sau khi say rượu bia khiến cho thần trí không tỉnh táo và về hành hạ vợ mình.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp người chồng mới là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Do đó, trong mối quan hệ vợ chồng dù là bên nào, khi có hành vi sử dụng bạo lực (hành động hoặc lời nói) để gây tổn hại đến bên còn lại thì đều vi phạm pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Như vậy, hành vi bạo hành là hành vi sử dụng vũ lực, lời nói hoặc kiểm soát để gây tổn thương về tâm lý hoặc thể chất của thành viên trong gia đình như: đánh đập, hành hạ, đe dọa, chửi bới, lăng mạ… hay sử dụng những hành động khác để kiểm soát hoặc làm tổn thương người đó.
Bạo lực gia đình là một vấn đề nhức nhối và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và trạng thái tâm lý của những người bị bạo hành. Dù đã được pháp luật quy định và có các biện pháp xử lý thích đáng nhưng nó vẫn chưa hề chấm dứt.
Cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có người tố cáo về hành vi bạo lực gia đình đó đã xảy ra. Vì vậy nếu bạn đang là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc đang nghi ngờ có ai đó trong gia đình bị bạo lực, hãy tìm cách liên hệ với các tổ chức, cơ quan chức năng hoặc công an địa phương… có thẩm quyền để nhận sự hỗ trợ và bảo vệ an toàn.
Tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đã quy định khi người bị bạo lực gia đình có quyền như sau:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Người phát hiện bạo lực gia đình cũng có nghĩa vụ kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Như vậy, khi bị bạn đời bạo hành người bị bạo hành có thể tự tố cáo hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác tố cáo hành vi bạo lực gia đình đình cho cơ quan có thẩm quyền.