Những ràng buộc pháp lý bạn nên biết trước khi ký vào giấy đăng ký kết hôn
Với nhiều người, kết hôn đơn giản là một dấu mốc tình cảm nơi hai người yêu nhau chính thức về chung một nhà. Nhưng dưới góc độ pháp luật, hôn nhân là một quan hệ dân sự được pháp luật điều chỉnh. Khi hai người ký vào Giấy đăng ký kết hôn, đồng nghĩa với việc họ bước vào một mối quan hệ ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ pháp lý rõ ràng, chứ không chỉ là cảm xúc. Do đó, việc hiểu trước những ràng buộc pháp lý của hôn nhân là bước chuẩn bị cần thiết, giúp bạn tránh được những bất ngờ hay tranh chấp đáng tiếc về sau.
1. Hôn nhân chỉ có giá trị pháp lý khi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, một mối quan hệ vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận khi đã đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên. Lễ cưới, tiệc cưới hay sống chung nhiều năm không có giá trị pháp lý nếu chưa đăng ký kết hôn. Hệ quả là nếu không đăng ký kết hôn:
- Hai người không được coi là vợ chồng hợp pháp;
- Không phát sinh quyền thừa kế, quyền nuôi con hay chia tài sản theo luật;
- Không được pháp luật bảo vệ như trong hôn nhân hợp pháp nếu có tranh chấp.
Vì vậy, việc đăng ký kết hôn không chỉ là thủ tục hành chính, mà là mốc pháp lý quan trọng quyết định quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên.


2. Tài sản trong hôn nhân
Một trong những ràng buộc pháp lý quan trọng nhất sau khi kết hôn là vấn đề quản lý và chia tài sản. Theo quy định, mọi thu nhập và tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (sau ngày đăng ký kết hôn) được xem là tài sản chung, trừ khi có thỏa thuận khác. Được quy định cụ thể tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Ví dụ: Tiền lương, tiền thưởng, bất động sản mua trong thời kỳ hôn nhân, lãi từ đầu tư… đều là tài sản chung, dù đứng tên ai. Ngược lại, tài sản có trước hôn nhân, tài sản được tặng riêng, thừa kế riêng sẽ là tài sản riêng, nhưng cần có giấy tờ chứng minh rõ ràng.
Vợ chồng có thể lập thỏa thuận tài sản trước hôn nhân (theo Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014), tuy nhiên phải lập thành văn bản trước khi kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc này giúp tránh tranh chấp sau này, nhất là trong trường hợp ly hôn hoặc phân chia tài sản.
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
3. Quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái
Ngay sau khi đăng ký kết hôn và có con chung, cả hai vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ con cái. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của trẻ luôn được đặt lên hàng đầu.
Điều quan trọng là nếu sau này ly hôn, việc ai nuôi con sẽ được Tòa án quyết định dựa vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: điều kiện tài chính, thời gian chăm sóc con, đạo đức, chỗ ở ổn định…Trừ trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi hoặc có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Đồng thời, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải cấp dưỡng và có quyền thăm nom, trừ trường hợp bị hạn chế vì ảnh hưởng đến quyền lợi của con.
Vì vậy, trước khi kết hôn và có con, hai người nên trao đổi kỹ về quan điểm nuôi dạy trẻ, phân công trách nhiệm và cách ứng xử nếu chẳng may mối quan hệ rạn nứt.


4. Nghĩa vụ về tình cảm và hỗ trợ nhau trong đời sống
Pháp luật không chỉ điều chỉnh tài sản và con cái, mà còn quy định về nghĩa vụ tình cảm vợ chồng. Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Đây là nghĩa vụ mang tính đạo đức nhưng lại được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ngoài ra, vợ chồng còn có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Trong thực tế, các hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình, xúc phạm nhân phẩm, ép buộc quan hệ… đều có thể bị xử lý bằng các chế tài hành chính, dân sự, thậm chí hình sự. Người bị hại có quyền yêu cầu ly hôn, đòi bồi thường tổn thất và được pháp luật bảo vệ.
Có thể thấy, một khi đã đăng ký kết hôn, việc chấm dứt mối quan hệ không còn là “chia tay” đơn thuần, mà phải thực hiện thủ tục ly hôn hợp pháp tại Tòa án. Khi đó, các vấn đề như tài sản chung, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí là nợ chung… sẽ được đưa ra để giải quyết theo pháp luật.
Trong một số trường hợp, việc ly hôn có thể diễn ra thuận tình (cả hai đồng ý), nhưng cũng có thể xảy ra tranh chấp kéo dài nếu một bên không đồng ý hoặc không thỏa thuận được. Khi ấy, hôn nhân sẽ chỉ được chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Vì vậy, khi kết hôn, bạn cần ý thức rằng việc kết thúc mối quan hệ không dễ dàng và nhanh chóng và nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý.