Phụng dưỡng cha mẹ có phải là nghĩa vụ bắt buộc?
Trong nền văn hóa Á Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, việc con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ được xem là một chuẩn mực đạo đức cao đẹp, là biểu hiện của lòng hiếu thảo, một giá trị được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rằng, nghĩa vụ này không chỉ là đạo lý, mà còn được quy định một cách rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Vậy, con cái có bắt buộc phải phụng dưỡng cha mẹ không? Nếu có thì cụ thể là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Quy định của pháp luật về nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ
Tại Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định rõ ràng về Quyền và nghĩa vụ của con như sau:
1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
Như vậy con có quyền được cha mẹ chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng đồng thời con cũng có nghĩa vụ phải biết tôn trọng, hiếu thảo với cha mẹ và khi đã thành niên thì con có nghĩa vụ tham gia vào công việc gia đình, đóng góp thu nhập đảm bảo mức sống ổn đình cùng gia đình phù hợp với khả năng của mình.


Đồng thời, theo khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con cái có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ đã già yếu, không còn khả năng lao động hoặc không có nơi nương tựa. Nghĩa vụ này tồn tại bất kể cha mẹ còn sống chung hay đã tách hộ khẩu, bất kể con đã kết hôn hay có gia đình riêng. Trong trường hợp có nhiều người con, thì nghĩa vụ phụng dưỡng sẽ được phân chia đều, tùy theo khả năng và điều kiện của từng người, trừ khi có thỏa thuận khác.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Nghĩa vụ phụng dưỡng được hiểu một cách toàn diện như sau:
- Hỗ trợ tài chính: Cung cấp tiền, hiện vật hoặc các chi phí thiết yếu như ăn uống, thuốc men, sinh hoạt…
- Chăm sóc đời sống vật chất: Nếu cha mẹ đau ốm, già yếu, con cái phải hỗ trợ điều trị, sắp xếp nơi ở an toàn, tiện nghi phù hợp với thể trạng.
- Chăm sóc tinh thần: Không bỏ mặc cha mẹ sống cô đơn, phải thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ, tạo sự kết nối và hỗ trợ tâm lý.
- Đáp ứng nhu cầu tối thiểu: Đảm bảo cha mẹ có cuộc sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại (ăn uống đủ no, mặc đủ ấm, có nơi ở ổn định, được chăm sóc y tế khi cần).
Pháp luật không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu tiền/tháng, mà tùy thuộc vào điều kiện của người con và mức độ thiếu thốn của cha mẹ. Việc chu cấp có thể bằng tiền, hiện vật hoặc bằng cách đón cha mẹ về sống cùng để tiện chăm sóc.
2. Con không phụng dưỡng cha mẹ thì bị xử lý như thế nào?
Nếu con cái từ chối hoặc cố tình trốn tránh nghĩa vụ phụng dưỡng, cha mẹ có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người con còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định nếu con cái có hành vi ngược đãi, không phụng dưỡng cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời theo Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Có thể hiểu, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình không thực hiện, làm cha mẹ lâm vào tình trạng nguy hiểm như bệnh tật nặng, suy kiệt, thậm chí tử vong, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 2 năm.


Trong trường hợp cha mẹ còn lương hưu, có đất đai, có tài sản đủ sống, con cái có cần phụng dưỡng không? Pháp luật không bắt buộc cấp dưỡng khi cha mẹ không có nhu cầu, nhưng nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc tinh thần thì vẫn luôn tồn tại.
Thực tế, nhiều người cao tuổi dù có tiền nhưng vẫn rất cần sự hiện diện của con cháu bên cạnh. Vì vậy, nghĩa vụ phụng dưỡng không chỉ giới hạn trong vật chất, mà còn là trách nhiệm đồng hành, yêu thương và chăm sóc tinh thần. Không nên hiểu nghĩa vụ phụng dưỡng chỉ là “gửi tiền là xong”.
* Lưu ý: Trường hợp cha mẹ có nhiều con, nếu không thống nhất rõ ràng, có thể xảy ra tranh cãi như: Ai phải phụng dưỡng? Ai phải ở chung với cha mẹ? Ai chịu trách nhiệm chính?… Để tránh mâu thuẫn, các bên nên:
- Phân chia trách nhiệm theo khả năng. Người ở xa có thể hỗ trợ tài chính, người ở gần có thể trực tiếp chăm sóc.
- Không ép buộc cha mẹ về ở chung nếu họ không muốn. Có thể bố trí người giúp việc hoặc hỗ trợ từ xa bằng công nghệ.
- Trong một số trường hợp, cha mẹ hoặc con cái có thể lập văn bản thỏa thuận hoặc di chúc rõ ràng về nghĩa vụ chăm sóc sau này để tránh tranh chấp.