Vì sao đơn phương ly hôn thường mất thời gian?
Câu hỏi: Tôi muốn đơn phương ly hôn chồng thì thời gian nhanh nhất có thể mất bao lâu? Hiện vợ chồng tôi có một con chung 7 tuổi, không có tài sản chung và đã ly thân 02 năm.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 54 và khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn đơn phương, toà án sau khi thụ lý đơn yêu cầu sẽ triệu tập các bên, lấy lời khai và tiến hành thủ tục hòa giải.
Trong trường hợp hoà giải không thành, tòa sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Toàn bộ khoảng thời gian này, từ lúc thụ lý đơn yêu cầu, lấy lời khai, công khai chứng cứ, hòa giải cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm để đưa vụ án ra xét xử, đối với trường hợp đơn phương ly hôn, về nguyên tắc, sẽ không quá 04 tháng.
Tuy nhiên, toà án có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm tối đa 02 tháng nữa, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
Đồng thời, trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết, thì khi được giải quyết tiếp tục, thời hạn chuẩn bị xét xử cũng được tính lại từ đầu.
Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định cụ thể như sau:
“Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
Như vậy, vụ án ly hôn càng phức tạp, có nhiều vấn đề cần làm rõ, thì thời gian Toà án giải quyết càng kéo dài.
Trong thực tế, thủ tục ly hôn đơn phương thường nhiêu khê, kéo dài, thậm chí qua nhiều cấp xét xử do vợ, chồng không thể thống nhất về việc ly hôn lẫn những vấn đề về tài sản chung và con chung. Có tình huống một bên vợ hoặc chồng luôn vắng mặt khi được tòa triệu tập do không đồng ý việc ly hôn. Trong những trường hợp tranh chấp tài sản, tranh chấp giành quyền nuôi con, quá trình tố tụng mất rất nhiều thời gian do các bên phải thu thập chứng cứ nhằm giành phần thắng về phía mình.
Vậy nên, để có thể nhanh chóng thuận lợi bước qua những giai đoạn khốc liệt trong “cuộc chiến” ly hôn, điều cần thiết nhất là tìm được những luật sư cố vấn tài giỏi và đáng tin cậy.
Tác giả: Kim Ngân