Ly hôn đơn phương cần những gì?
Trong quá trình ly hôn đơn phương, việc dễ gặp nhất chính là việc bị đơn không chịu ký vào đơn ly hôn, không chịu đến khi Tòa mời đến xét xử, và đặc biệt không cung cấp giấy tờ cho nguyên đơn nộp hồ sơ ly hôn. Vậy ly hôn đơn phương cần những gì? Nếu không có đủ giấy tờ có nộp đơn ly hôn đơn phương được hay không? Bài viết hôm nay chúng ta sẽ làm rõ những vấn đề này.
Mục lục
1. Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?
Bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn xin ly hôn theo mẫu;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (CMND) (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao sổ hộ khẩu của vợ, chồng (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao giấy khai sinh của con (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao các giấy tờ chứng nhận tài sản cần chia như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ; đăng ký xe; sổ tiết kiệm;…
- Các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; chứng cứ chứng minh vợ chồng mất tích trong trường hợp yêu cầu ly hôn khi vợ chồng bị tuyên bố mất tích.
2. Ly hôn đơn phương khi không đủ giấy tờ
Nếu người yêu cầu ly hôn không cung cấp được các giấy tờ trên thì tòa án sẽ yêu cầu phải bổ sung thông tin.
Trong trường hợp này người yêu cầu ly hôn cần thu thập các giấy tờ sao cho đầy đủ để bổ sung trong thời hạn quy định:
- Đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: bạn có thể đến UBND cấp xã nơi vợ chồng đã đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn;
- Về giấy khai sinh: Có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao;
- Đối với sổ hộ khẩu: Liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi người yêu cầu thường trú xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này rất khó khăn, nếu cần thiết bạn có thể xin xác nhận của công an xác vào đơn ly hôn;
- Đối với chứng minh thư nhân dân: Có thể sử dụng bản sao công chứng, chứng thực của sổ hộ chiếu để hoàn thiện hồ sơ. Có thể liên hệ với công an phường, xã, thị trấn để được cấp lại CMND.
Đối với trường hợp khó khăn như sổ hộ khẩu thì bạn có thể gửi đơn cam kết lên Tòa án nhờ Tòa án xem xét nếu nguyên nhân xuất phát từ bị đơn.
Thủ tục ly hôn đơn phương:
– Thụ lý đơn ly hôn: Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí.
– Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì ghi biên bản xác nhận hòa giải thành và kết thúc vụ án. Nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.
– Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.