Đơn xin ly hôn xin ở đâu?
Hiện nay, khi cuộc sống vợ chồng không êm đềm mà muốn đường ai nấy đi thì việc ly hôn là giải pháp. Thế nhưng khi làm thủ tục ly hôn nhiều người lại băn khoăn không biết đơn xin ly hôn xin ở đâu? Cách viết đơn như thế nào để Toà án chấp nhập? Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề nêu trên.
Mục lục
1. Đơn xin ly hôn có bao nhiêu loại?
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án”. Theo đó hiện có hai hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi tắt là ly hôn đơn phương).
Theo đó, tuỳ từng loại ly hôn thì sẽ có mẫu đơn xin ly hôn tương ứng.
1.1. Mẫu đơn thuận tình ly hôn
Đối với trường hợp thuận tình ly hôn tức là khi hai vợ chồng đã thoả thuận được với nhau về các vấn đề con cái ai nuôi dưỡng và phụ cấp như thế nào, tài sản chung vợ chồng chia ra sao, nghĩa vụ trả nợ như thế nào. Đồng thời chỉ yêu cầu Toà án giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân. Khi đó, chúng ta sẽ sử dụng mẫu đơn xin ly hôn yêu cầu giải quyết việc dân sự, tức là việc ly hôn.
1.2. Mẫu đơn ly hôn đơn phương
Đối với trường hợp ly hôn đơn phương là khi hai vợ chồng có tranh chấp về các vấn đề hôn nhân căn cứ vào việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng,….khiến hôn nhân không thể kéo dài; hai vợ chồng cũng không thoả thuận được với nhau về vấn đề tài sản và con chung. Khi đó sẽ sử dụng mẫu đơn khởi kiện.
2. Đơn xin ly hôn xin ở đâu?
Đơn xin ly hôn xin ở đâu vẫn là băn khoăn của rất nhiều cặp vợ, chồng khi muốn ly hôn. Như đã nói ở trên, tuỳ vào việc vợ chồng ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương sẽ sử dụng mẫu đơn tương ứng.
Đồng thời, hiện nay pháp luật không có quy định về hình thức của đơn xin ly hôn là phải tự viết tay hoàn toàn hay được đánh máy. Tuy nhiên, cần đảm bảo đầy đủ các nội dung chính theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP về biểu mẫu trong tố tụng dân sự có mẫu đơn xin ly hôn gồm dạng đơn khởi kiện (Mẫu số 23-DS) và đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (theo mẫu số 01-VDS).
Theo đó, bạn có thể lựa chọn là tự tải mẫu đơn ly hôn về hoặc là mua trực tiếp đơn xin ly hôn tại Toà án.
3. Hướng dẫn cách viết đơn xin ly hôn chi tiết và chính xác
Bất kể bạn tự tải đơn về hoặc mua tại Toà thì vẫn phải điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu trong đơn. Dưới đây là hướng dẫn của chúng tôi đối với từng mẫu đơn:
3.1. Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (ly hôn thuận tình)
- Đối với phần về việc ngay dưới tên Đơn: Bạn sẽ ghi loại việc dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết. Ví dụ trường hợp này là: Yêu cầu ly hôn).
- Đối với phần kính gửi và mục trình bày với Tòa án nhân dân: Phải ghi tên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào. Lấy ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Còn nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó. Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.
- Phần người yêu cầu giải quyết việc dân sự: Được chia thành hai chủ thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức.
- Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đó. Ví dụ: Nguyễn Văn A, sinh ngày: 22/04/199x, căn cước công dân số: 00109xxxxxxx do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày 13/07/202x.
- Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và họ tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Ví dụ: Công ty TNHH X, người đại diện: Ông Nguyễn Văn N.
- Nếu là người đại diện theo pháp luật thì sau họ tên ghi “- là người đại diện theo pháp luật của người có quyền yêu cầu” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu; nếu là người đại diện theo ủy quyền thì ghi “- là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền yêu cầu theo văn bản ủy quyền được xác lập ngày ………” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu. Trường hợp có nhiều người cùng làm đơn yêu cầu thì đánh số thứ tự 1, 2, 3,… và ghi đầy đủ các thông tin của từng người.
- Phần địa chỉ: Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: thôn Bình An, xã Phú Cường, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội); nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: trụ sở tại số 20 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
- Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: Cần ghi rõ ràng và cụ thể các vấn đề mà người có yêu cầu yêu cầu Toà án giải quyết. Ví dụ: Yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà B.
- Lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu đối với các vấn đề trên: Phải nêu rõ lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu ly hôn. Ví dụ: Lý do là hai vợ chồng không hợp nhau nên muốn mỗi người có thể tìm hạnh phúc riêng,…..
- Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
- Các thông tin khác: Phần này không bắt buộc phải ghi, nhưng nếu có thông tin nên ghi để vụ việc được giải quyết nhanh hơn.
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu: Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,… (ví dụ: 1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A; 2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;….).
- Thời gian cuối đơn: Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu (ví dụ: Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2018; Hưng Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2019).
- Phần chữ ký của người làm đơn: Nếu người yêu cầu là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp người yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp có nhiều người cùng yêu cầu thì cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người vào cuối đơn yêu cầu.
3.2. Đơn khởi kiện (đơn phương ly hôn)
Đối với đơn khởi kiện bạn cũng ghi tương tự theo hướng dẫn. Nếu bạn có vướng mắc có thể liên hệ với Luật sư Hôn nhân Gia đình để được hỗ trợ nhé.