Cản trở quyền thăm nom con có thể bị xử phạt hành chính
Người có hành vi cản trở quyền thăm nom con của người còn lại sau khi ly hôn bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Hỏi: Tôi và vợ tôi ly hôn năm 2012, con gái tôi 3 tuổi do vợ tôi trực tiếp nuôi dưỡng. Thời gian đầu, tôi vẫn tới thăm nom con gái thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ sau khi tôi kết hôn (cuối năm 2014) vợ tôi không cho tôi gặp con tôi. Luật sư cho tôi hỏi, tôi phải làm thế nào để có thể gặp được con tôi?
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới lyhonnhanh.com. Luật sư trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, sau khi ly hôn, bạn hoàn toàn có quyền thăm nom con gái của mình. Vợ bạn không có quyền ngăn cản bạn thực hiện quyền đối với con của bạn.
Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì:
“Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.
Vợ bạn cố tình ngăn cản việc thăm nuôi con của bạn sau khi ly hôn được coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Sau khi tác động mà vợ bạn vẫn kiên quyết không cho bạn gặp con mình thì bạn có thể yêu cầu UBND nơi vợ bạn cư trú can thiệp để buộc vợ bạn phải dừng ngay hành vi vi phạm, chấp hành đúng các quy định về chế độ thăm nuôi con theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.