Cách viết mẫu ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả các vấn đề về quyền và nghĩa vụ, quyền nuôi con, tài sản một cách tự nguyện. Do đó, thông thường khi ly hôn, chắc hẳn các bên cũng đã tìm hiểu về những tài liệu cần thiết của hồ sơ, trong đó bao gồm đơn xin ly hôn. Vậy nội dung mẫu ly hôn thuận tình là gì và cách viết đơn như thế nào?
Mục lục
1. Nội dung mẫu ly hôn thuận tình và cách viết đơn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một mẫu đơn ly hôn thuận tình sẽ cần có những nội dung nhất định. Mỗi nội dung tương ứng với các vấn đề cần thiết. Theo đó, Tòa án sẽ dựa vào lời khai trong đơn để giải quyết vụ việc. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn bị mẫu đơn, vợ chồng cần phải tìm hiểu cách viết đơn sao cho phù hợp.
1.1. Nội dung mẫu ly hôn thuận tình
Đối với mẫu ly hôn thuận tình, nội dung có trong đơn sẽ bao gồm những vấn đề cụ thể như sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ, tên đơn.
- Ngày, tháng, năm thực hiện đơn ly hôn.
- Kính gửi Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn.
- Thông tin cá nhân của vợ, chồng yêu cầu ly hôn. Một số thông tin cơ bản là họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email,…
- Nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
- Những nội dung khác yêu cầu Tòa công nhận và giải quyết bao gồm quan hệ hôn nhân, con cái, tài sản, công nợ.
- Kính đề nghị Tòa xem xét, giải quyết.
- Chữ ký của hai vợ chồng trong đơn ly hôn thuận tình.
1.2. Cách viết đơn ly hôn thuận tình
Để viết đơn ly hôn thuận tình, vợ hoặc chồng có thể viết theo cách thức mẫu mà chúng tôi đưa ra như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
____________________
ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN
QUẬN/ HUYỆN…….
Chúng tôi là: Nguyễn Văn A Năm sinh:…..
Nghề nghiệp:……
Nơi làm việc:…..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:….
Chỗ ở hiện tại:…..
Số điện thoại liên lạc:….
Và Nguyễn Thị B Năm sinh:….
Nghề nghiệp:….
Nơi làm việc:…..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:…..
Đã đăng ký kết hôn ngày 01 tháng 01 năm 2020
Nơi đăng ký kết hôn: Uỷ ban nhân dân phường X
Về tình cảm
Vợ chồng tôi đăng ký kết hôn ngày…. tháng…. năm…. tại Uỷ ban nhân dân phương X, quận Y.
Trong thời gian gần đây, do cả hai vợ chồng chúng tôi đã xảy ra rất nhiều mâu thuẫn xung đột khó có thể tìm được hướng giải quyết khiến đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không thể đạt được. Do vậy, chúng tôi đã thỏa thuận và đề nghị Tòa án:
1. Công nhận thuận tình ly hôn.
2. Công nhận sự thỏa thuận:
Về con chung:
Trong thời gian hôn nhân, chúng tôi chưa có con. Cho nên không yêu cầu Tòa án giải quyết về vấn đề này.
Về tài sản:
Chúng tôi không yêu cầu Tòa giải quyết về tài sản cho vợ chồng tôi.
Về công nợ:
Chúng tôi không có nợ nên không yêu cầu Tòa giải quyết.
Những tài liệu chứng cứ kèm theo đơn gồm có
….
Hà Nội, ngày…. tháng…. năm….
Người làm đơn
2. Ngoài mẫu đơn ly hôn thuận tình, vợ chồng cần chuẩn bị những gì?
Bên cạnh mẫu đơn ly hôn thuận tình, vợ chồng khi ly hôn cần chuẩn bị những tài liệu sau đây:
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Bản sao có chứng thực giấy tờ xác thực cá nhân vợ chồng gồm chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu.
- Bản sao có chứng thực Giấy khai sinh của các con (Nếu đã có con).
- Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu gia đình.
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung.
- Các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh về khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Trong trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài thì Giấy đăng ký kết hôn phải được hợp thức hóa lãnh sự và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn và hồ sơ xin ly hôn.
- Một số tài liệu khác nếu Tòa án yêu cầu cung cấp.
3. Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình ở đâu?
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình như sau:
“2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo căn cứ trên, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình. Theo đó, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của hai vợ chồng để làm thủ tục.
Trong trường hợp vì lý do công việc hoặc bận các vấn đề khác phát sinh, vợ hoặc chồng có thể uỷ quyền cho người khác nộp hộ đơn. Hiện nay, pháp luật hoàn toàn cho phép và tạo điều kiện cho các cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử thì các bên sẽ không được uỷ quyền cho người khác mà phải trực tiếp tham gia.