Chi phí ly hôn thuận tình mới nhất 2023
“Hôn nhân bước vào bằng tình yêu thương, bước ra bằng sự đau khổ. Bởi vậy nếu đã bước vào thì hãy cố gắng mà trân trọng”. Thế nhưng không phải cuộc sống vợ chồng lúc nào cũng yên ấm nên đôi khi sẽ mỗi người một ngả. Vậy chi phí khi cả hai vợ chồng cùng đồng tình ly hôn hết bao nhiêu? Ai sẽ phải chịu khoản chi phí ly hôn thuận tình đó? Nộp tại đâu? Cùng giải đáp các vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Chi phí ly hôn thuận tình là gì?
Ly hôn là sự kiện làm chấm dứt quan hệ mối quan hệ giữa nam và nữ. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì ly hôn gồm có ly hôn đơn phương tức là ly hôn theo yêu cầu của một bên và ly hôn thuận tình.
Theo đó, ly hôn thuận tình được giải thích là việc hai bên tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận xong hết về các vấn đề chia tài sản, nuôi con. Việc yêu cầu Tòa giải quyết chỉ là giải quyết việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. Còn chi phí là các khoản tiền phải nộp khi thực hiện một công việc nào đó.
Từ những phân tích trên, có thể rút ra kết luận: Chi phí ly hôn thuận tình là các khoản tiền mà người tiến hành các thủ tục phải bỏ ra để trả cho cơ quan, tổ chức, cá nhân với mục đích là giải quyết ly hôn giữa hai vợ chồng.
Khoản chi phí này bao gồm chi phí nộp cho cơ quan nhà nước theo quy định pháp luật và các khoản khác như công chứng giấy tờ tài liệu, mua mẫu đơn hoặc nhờ dịch vụ xử lý việc ly hôn được nhanh chóng.
2. Chi phí cho ly hôn thuận tình hết bao nhiêu?
Khác với án phí ly hôn khi làm thủ tục ly hôn đơn phương thì chi phí cho việc ly hôn thuận tình được gọi chính xác là lệ phí. Căn cứ theo khoản 1 Điều 4, Điều 6 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBNTVQH14 và điểm 1, 2 mục B của Danh mục án phí, lệ phí Tòa án thì mức lệ phí khi ly hôn thuận tình sẽ là 300.000 đồng.
Ngoài lệ phí nộp cho Tòa án thì chi phí khi thuận tình ly hôn có thể còn có các khoản:
- Phí mua mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự: Mẫu đơn này bạn có thể mua trực tiếp tại Toà nơi mình sẽ nộp hồ sơ ly hôn. Mức phí mẫu đơn thường khá rẻ.
- Phí dịch vụ Luật sư: Tức là nếu bạn nhờ Luật sư giải quyết thủ tục từ A tới Z hoặc nhờ tư vấn ở một giai đoạn nào đó thì sẽ mất thêm phí dịch vụ cho Luật sư. Mức phí này tuỳ thuộc vào lượng công việc bạn yêu cầu giải quyết, từng công ty, văn phòng Luật sư; uy tín và kinh nghiệm của Luật sư trực tiếp xử lý vụ việc;….
Như vậy, nếu nói chi phí ly hôn thuận tình hết bao nhiêu không có con số cụ thể. Bởi tuỳ từng trường hợp thì chi phí phải trả sẽ khác nhau.
3. Ai phải nộp chi phí ly hôn khi thuận tình ly hôn?
Pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên, ngay cả việc nộp lệ phí Tòa án cũng không ngoại lệ. Theo khoản 1 Điều 36 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBNTVQH14 về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm quy định như sau:
“Điều 36. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thì mỗi người phải nộp 50% mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.”
Như vậy, vợ chồng hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc vợ hoặc chồng nộp tạm ứng lệ phí cho Tòa. Nếu như hai vợ chồng không thỏa thuận được thì chia đều cho mỗi người trên tổng mức tiền tạm ứng theo quy định.
Vấn đề chịu lệ phí sơ thẩm hay phúc thẩm khi yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cũng tương tự như việc nộp tạm ứng. Điều này có nghĩa là: “Vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn, hoặc không phải chịu lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí Tòa án thì mỗi người phải chịu 50% mức lệ phí Tòa án.” (theo khoản 3 Điều 37 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBNTVQH14).
4. Nộp tạm ứng lệ phí ly hôn thuận tình ở đâu?
- Theo khoản 2 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí thu được như sau: “2. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được nộp cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc nhà nước và được rút ra để thi hành án theo quyết định của Tòa án.”
- Mặt khác, tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBNTVQH14 cũng quy định: “1. Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1, điềm b khoản 2, các khoản 4, 5 và 8 Điều 4 của Nghị quyết này.” Mà khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết này gồm cả lệ phí giải quyết yêu cầu về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, nộp tạm ứng lệ phí thuận tình ly hôn sẽ nộp tại cơ quan thi hành án.