Chuẩn bị đơn ly hôn như thế nào?
Để nhanh chóng kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình, bạn cần phải làm thủ tục ly hôn với tòa án nhân dân có thẩm quyền. Đơn ly hôn là tài liệu không thể thiếu trong thủ tục ly hôn. Đây là một trong các yếu tố giúp Tòa Án xem xét và xử lý yêu cầu ly hôn của các bên nhanh chóng, chính xác nhất. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về cách thức chuẩn bị loại tài liệu này ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Đơn ly hôn phải có nội dung gì?
Đối với thủ tục ly hôn, pháp luật quy định có hai hình thức để thực hiện thủ tục này đó là: Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Ở mỗi hình thức, bạn cần chuẩn bị nội dung đơn ly hôn phù hợp và bộc lộ được tất cả các yếu tố dẫn đến tình trạng hôn nhân không thể tiếp tục.
Nội dung của đơn ly hôn cũng tương tự như đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, hoặc đơn khởi kiện vụ án dân sự; cần đảm bảo được các nội dung cơ bản mà Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 đã hướng dẫn tại khoản 2 Điều 362 và khoản 4 Điều 189:
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Tên Tòa án nhận đơn
- Tên, nơi cư trú, làm việc của các bên thực hiện thủ tục ly hôn
- Những vấn đề cụ thể dẫn đến quyết định ly hôn (thuận tình hoặc đơn phương)
- Các thỏa thuận của vợ, chồng (nếu có) về cách thức phân chia tài sản, quyền nuôi con
- Các thỏa thuận của vợ, chồng (nếu có) về phân chia trách nhiệm tài sản với các bên thứ ba
- Tài liệu về tài sản, con chung..
- Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ ly hôn năm 2021
Hồ sơ để thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa Án nhân dân có thẩm quyền là những tài liệu chứng minh cho mối quan hệ vợ chồng hợp pháp, cụ thể:
- Đơn ly hôn (Có nội dung được chuẩn bị theo đúng trường hợp đơn phương hay thuận tình ly hôn)
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao chứng thực các giấy tờ chứng minh nhân thân của vợ, chồng: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân, hộ chiếu)
- Giấy khai sinh của con chung (nếu có)
- Các tài liệu chứng minh tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng
- Những tài liệu chứng minh tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể tiếp tục
- Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Trong trường hợp ly hôn không có yếu tố nước ngoài, bạn cần làm thủ tục tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ, chồng đang sinh sống, làm việc; hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (vợ hoặc chồng) đang sinh sống, làm việc nếu là thủ tục đơn phương ly hôn. Hồ sơ ly hôn có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi bưu điện, Tòa án sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ sẽ ra thông báo tạm ứng án phí để có thể bắt đầu thủ tục tố tụng theo đúng trình tự pháp luật.
Các nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn
Trong suốt quá trình hôn nhân, vợ chồng sẽ tích góp được những tài sản chung để phụ vụ cuộc sống hôn nhân của mình. Khi chấm dứt hôn nhân, khối tài sản này cần được phân chia, xử lý để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của mỗi bên vợ chồng. Về nguyên tắc, tài sản chung sẽ được chia đôi nhưng phải xét đến các yếu tố được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”