Điều kiện ly hôn đơn phương là gì và thủ tục như thế nào?
Ly hôn là việc diễn ra hằng ngày trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu người có yêu cầu không nắm bắt được rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục. Vì vậy, để giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ nêu ra những điều kiện ly hôn đơn phương và quy trình tiến hành đối với các vụ án cụ thể trong cuộc sống.
Mục lục
1. Điều kiện ly hôn đơn phương là gì và thủ tục như thế nào?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn đơn phương được hiểu là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân theo yêu cầu từ một phía. Tuy nhiên, không phải chỉ căn cứ vào yêu cầu từ một bên, Tòa án chỉ giải quyết vụ án ly hôn khi có các điều kiện nhất định. Vì vậy, trong phần này, chúng tôi sẽ nêu khái quát về điều kiện được ly hôn đơn phương, trình tự và thủ tục thực hiện.
1.1. Điều kiện đơn phương ly hôn
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn từ yêu cầu một bên sẽ được thực hiện trong trường hợp như sau:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Như vậy, ly hôn đơn phương sẽ được Tòa án thụ lý và giải quyết nếu người yêu cầu cung cấp được chứng cứ, chứng minh cho rằng vợ hoặc chồng mình vi phạm nghĩa vụ vợ chồng trong quan hệ hôn nhân. Thông thường, những lý do kèm theo căn cứ minh chứng đó là hình ảnh, video đối phương ngoại tình hoặc có những hành vi bạo lực gia đình,…
1.2. Trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn
Để thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn, vợ hoặc chồng có đơn yêu cầu cần tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Trong thủ tục đơn phương ly hôn, hồ sơ là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án tiến hành giải quyết vụ án ly hôn đơn phương.
Bước 2: Tòa án xem xét và giải quyết
Sau khi nhận được yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý hay không sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo đến nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ tiến hành hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án sẽ phải lập biên bản hòa giải sau đó quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên Tòa sơ thẩm
Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ ràng về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.
Bước 4: Ra bản án ly hôn
Nếu hòa giải không thành và xét thấy đủ điều kiện giải quyết thì Tòa sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng. Đây là bước cuối cùng trong thủ tục đơn phương ly hôn.
2. Những giấy tờ cần có trong điều kiện ly hôn đơn phương
Chuẩn bị hồ sơ là một trong những bước đóng vai trò quan trọng để Tòa án giải quyết vụ án. Theo đó, những giấy tờ cần có trong hồ sơ đơn phương ly hôn sẽ là:
- Đơn xin đơn phương ly hôn (Theo mẫu của Tòa án).
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc).
- Giấy tờ chứng thực cá nhân của vợ, chồng như CMND/ CCCD/ Hộ chiếu.
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (Nếu có).
- Giấy khai sinh của các con (Nếu có con).
- Chứng cứ chứng minh đối phương có hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng theo Điều 56 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp ly hôn đơn phương mà đối phương ở nước ngoài phải làm sao?
Với trường hợp chồng ở nước ngoài, ly hôn đơn phương vắng mặt sẽ thực hiện phức tạp hơn so với trong nước. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có những quy định nhằm điều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể.
Nếu đối phương đang ở nước ngoài thì người yêu cầu có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, nếu không có địa chỉ rõ ràng của vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài thì việc thực hiện sẽ dựa trên Công văn số 253 của Tòa án nhân dân tối cao.
Trong trường hợp sau hai lần Tòa án yêu cầu mà nhân thân vẫn từ chối cung cấp thì Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử vắng mặt theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ gửi quyết định đến nhân thân của người vợ hoặc người chồng để qua đó chuyển cho đối phương.