Điều kiện ly hôn đơn phương
Trong cuộc sống hôn nhân, mâu thuẫn xảy ra là điều khó trách khỏi. Khi mâu thuẫn diễn ra quá thường xuyên khiến đời sống vợ chồng rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng kéo dài thì ly hôn là giải pháp cuối cùng họ tìm đến để chấm dứt sự ràng buộc trong mối quan hệ vợ chồng. Trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên thì điều kiện ly hôn đơn phương được pháp luật quy định như thế nào?
Xem thêm:
Hướng dẫn làm thủ tục ly hôn nhanh nhất
Thủ tục ly hôn đơn phương như thế nào?
Giải đáp thủ tục ly hôn cần những gì?
Điều kiện ly hôn đơn phương
Mục lục
Người có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương
Căn cứ quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Theo đó, người có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương không chỉ bao gồm chủ thể quan hệ hôn nhân là vợ và chồng mà còn có thể là cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng trên cơ sở thỏa mãn các điều kiện tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người vợ và con nhỏ trong quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật quy định trường hợp người chồng không được yêu cầu đơn phương khi người vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều kiện ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Tòa án sẽ xem xét giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên khi có căn cứ chứng minh đáp ứng đầy đủ các điều kiện ly hôn đơn phương trong từng trường hợp cụ thể như sau:
Các trường hợp yêu cầu ly hôn
Trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương thì cần phải cung cấp cho Tòa án các chứng cứ chứng minh thuộc một trong hai điều kiện dưới đây:
– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, hành vi bạo lực gia đình bao gồm các hành vi sau: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau…
– Vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ vợ chồng khiến cho cuộc sống hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng không thể tiếp tục kéo dài. Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân có thể được chia thành 02 nhóm quyền cơ bản là quyền và nghĩa vụ về nhân thân; quyền và nghĩa vụ về tài sản. Trong đó các quyền và nghĩa vụ về nhân thân được quy định tại các Điều 17 đến 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng; tình nghĩa vợ chồng; lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng; Tôn trọng danh sự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng… Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng được thể hiện ở quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung và các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn
– Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
– Khi có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích, nếu người còn lại xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn khi có căn cứ xác định vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia. Các hành vi bạo lực gia đình có thể kể đến như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép quan hệ tình dục…
Như vậy, khi có yêu cầu ly hôn, mặc dù một trong hai bên không đồng ý nhưng bên còn lại vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người có yêu cầu giải quyết ly hôn cần cung cấp cho Tòa án các chứng cứ chứng minh về các điều kiện ly hôn đơn phương để từ đó Tòa án có cơ sở xem xét và quyết định cuối cùng.