Thủ tục ly hôn cần những gì?
Thủ tục ly hôn là trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết để giải quyết ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Các vấn đề quan trọng trong ly hôn bao gồm: Phân chia tài sản; Quyền nuôi con; Nghĩa vụ cấp dưỡng; Chứng minh tài sản riêng,…Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ tìm hiểu thủ tục ly hôn cần những gì?
Mục lục
1. Hồ sơ ly hôn
Hồ sơ ly hôn là tổng hợp các giấy tờ chứng minh về quan hệ hôn nhân, quan hệ nhân thân, giấy tờ tùy thân nộp kèm theo đơn ly hôn cho Tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn.
Hồ sơ ly hôn bao gồm:
1.1. Hồ sơ ly hôn đơn phương
- Đơn xin ly hôn đơn phương hoặc Đơn khởi kiện ly hôn;
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu của người xin đơn phương ly hôn;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu mất bản gốc thì nộp bản trích lục đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con chung, riêng;
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn;
- Bản sao công chứng giấy tờ liên quan đến tài sản chung yêu cầu phân chia.
1.2. Hồ sơ ly hôn thuận tình
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con và chia tài sản chung có chữ ký của hai vợ chồng và đóng dấu xác nhận của UBND xã phường;
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu của hai vợ chồng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu mất bản gốc thì nộp bản trích lục đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con chung, riêng;
- Bản sao công chứng giấy tờ liên quan đến tài sản chung yêu cầu phân chia.
2. Thủ tục ly hôn cần những gì?
2.1. Thủ tục ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Thụ lý đơn. Vợ và chồng chuẩn bị hồ sơ nêu trên và nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ xem xét đơn ly hôn thuận tình, căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra thông báo nộp lệ phí tạm ứng.
Sau khi vợ, chồng nộp tạm ứng lệ phí thì Tòa án sẽ mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Sau khi tiến hành hòa giải mà không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận ly hôn. Ngược lại, nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.
2.2. Thủ tục ly hôn đơn phương
Bước 1: Thụ lý đơn ly hôn. Vợ hoặc chồng – người muốn ly hôn đơn phương phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu và chứng cứ về lý do ly hôn đơn phương cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền như đã nêu trên.
Bước 2: Hòa giải. Sau khi nhận được đơn ly hôn đơn phương, Tòa án sẽ xem xét có nhận và thụ lý vụ án ly hôn không. Nếu xét thấy có căn cứ để xét đơn ly hôn đơn phương thì yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải.
Nếu hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành nếu không hòa giải được thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên tòa sơ thẩm. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.
Sau khi giải quyết quan hệ hôn nhân, Tòa án sẽ giải quyết quan hệ tài sản, con chung, con riêng và vấn đề nợ chung.
Tòa án căn cứ theo quy định pháp luật là tình trạng cụ thể của từng cặp vợ chồng để ra phán quyết phù hợp.
Án phí cho một vụ việc ly hôn không có tranh chấp về tài sản là 300.000 đồng;
– Đối với những vụ việc có tranh chấp về tài sản thì ngoài mức án phí 300.000 đồng, đương sự còn phải chịu án phí với phần tài sản có tranh chấp, được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp.