Đơn đơn phương ly hôn: Cách viết và thông tin cần biết
Đơn đơn phương ly hôn là đơn ly hôn chỉ do một bên (vợ hoặc chồng) đề nghị ly hôn. Quá trình giải quyết đơn này phức tạp hơn so với đơn ly hôn thông thường. Đồng thời, cách viết đơn cũng có nhiều điểm khác biệt. Để biết cách viết đơn đúng chuẩn và không bị chỉnh sửa thì có thể tham khảo nội dung ngay bên dưới.
Mục lục
1. Cách viết đơn đơn phương ly hôn đúng chuẩn
Phần mở đầu của đơn ly hôn đơn phương tương tự như các loại đơn khác, bao gồm có quốc hiệu, tiêu ngữ, nơi chốn và thời gian. Sau đó là tên đơn và phần kính gửi. Ở phần kính gửi, người làm đơn cần ghi theo công thức “Kính gửi: Tòa án nhân dân thành phố/tỉnh [Y]”. Ví dụ, “Kính gửi: Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng”, “Kính gửi: Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai”.
Sau đó, người làm đơn cần ghi thông tin của bản thân và của vợ/chồng của mình. Thông tin này bao gồm họ và tên (in hoa, có dấu), ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân hoặc hộ chiếu (ghi rõ ngày cấp, nơi cấp), nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại.
Tiếp theo đó, người làm đơn cần trình bày tình trạng hôn nhân của hai vợ chồng. Thông tin này bao gồm địa điểm kết hôn, thời gian kết hôn, thời gian chung sống, hiện tại có đang sống cùng không, nếu không thì đã ly thân bao lâu, mâu thuẫn trong hôn nhân, nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
Đặc biệt sau phần nguyên nhân ly hôn, để được Tòa án chấp nhận, người làm đơn cần đưa ra căn cứ cho nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Nếu có người làm chứng cho nguyên nhân này thì khả năng đơn được duyệt sẽ càng cao.
Sau đó, người làm đơn đơn phương ly hôn cần trình bày về thông tin của đứa con chung của hai người, thông tin tài sản chung trong hôn nhân, thông tin nợ chung trong hôn nhân. Cuối cùng, người làm đơn cần kê khai tài liệu và chứng từ đi kèm rồi ký tên.
2. Hồ sơ ly hôn đơn phương cần có những gì?
Ngoài đơn ly hôn, nguyên đơn (người làm đơn) cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ để đưa đến Tòa án xem xét. Hồ sơ sẽ bao gồm các giấy tờ bắt buộc và các giấy tờ khác như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc (bắt buộc).
- Sổ hộ khẩu (bắt buộc).
- Bản sao công chứng chứng minh thư hoặc căn cước của hai vợ chồng (bắt buộc).
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con.
- Bản sao công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Bản sao công chức giấy tờ xe.
- Bản sao công chứng sổ tiết kiệm.
- Giấy chứng minh thu nhập cá nhân và Đơn trình bày nguyện vọng của con (nếu muốn giành quyền nuôi con).
Ngoài những giấy tờ trên, người làm đơn cũng cần chuẩn bị các giấy tờ có liên quan khác. Cụ thể như giấy chứng minh bị đối phương bạo hành, hành hung trong quá trình chung sống hay bất cứ giấy tờ nào có tác dụng làm minh chứng cho nguyên nhân ly hôn của hai người.
3. Nơi tiếp nhận đơn ly hôn đơn phương
Người làm đơn cần nộp hồ sơ, bao gồm đơn ly hôn và các giấy tờ khác tại Tòa án nhân dân quận hoặc các cấp ngang quận. Người làm đơn cần dựa vào hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú gần nhất trong 6 tháng của người chồng/vợ của mình để biết được cần nộp hồ sơ đến cơ quan thích hợp. Đây cũng là nơi sẽ giải quyết vụ ly hôn đơn phương của người làm đơn.
4. Thời gian giải quyết đơn ly hôn đơn phương
Khi nhận được đơn, thẩm phán sẽ chịu trách nhiệm xem xét đơn trong vòng 3 ngày. Trong vòng 5 ngày sau đó, thẩm phán sẽ đưa ra các quyết định sau:
- Sửa đổi, bổ sung đơn kiện.
- Chuyển cho đơn vị khác.
- Trả lại đơn khởi kiện.
- Tiến hành thụ lý vụ kiện.
Nếu chấp nhận thụ lý vụ kiện thì Tòa sẽ đưa ra xét xử sau 4 tháng. Trong vòng 4 tháng, người gửi đơn phải nộp các loại phí theo yêu cầu của Tòa án.
5. Án phí giải quyết đơn phương ly hôn và tranh chấp tài sản
Quan hệ hôn nhân thường gắn với vấn đề về tài sản. Khi ly hôn, các bên thường sẽ yêu cầu chia những tài sản chung của hai vợ chồng. Lúc này, dựa vào giá trị tài sản cần chia, Tòa án sẽ đưa ra mức phí dựa trên Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau:
- Đối với tranh chấp không có giá ngạch thì án phí là 300.000 đồng.
- Đối với tranh chấp có giá ngạch dưới 6.000.000 đồng thì mức án phí là 300.000 đồng.
- Đối với tranh chấp có giá ngạch từ 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì mức án phí là 5% giá trị tài sản tranh chấp.
- Đối với tranh chấp có giá ngạch từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng thì mức án phí là 20.000.000 đồng cộng thêm 4% giá trị tài sản tranh chấp.
- Đối với tài sản có giá ngạch từ 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì mức án phí là 36.000.000 đồng cộng thêm 3% giá trị tài sản tranh chấp.
- Đối với tranh chấp có giá ngạch từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng thì mức án phí là 72.000.000 đồng cộng thêm 2% giá trị tài sản tranh chấp.
- Đối với tranh chấp có giá ngạch trên 4.000.000.000 đồng thì mức án phí là 112.000.000 đồng cộng thêm 0,1% giá trị tài sản tranh chấp.