Đơn ly hôn viết tay được không? Những lưu ý khi viết tay đơn ly hôn
Đơn ly hôn viết tay được không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Ly hôn là hiện trạng ngày càng phổ biến ở xã hội Việt Nam. Điều này dựa trên ý chí tự nguyện của một bên vợ hoặc chồng khi cảm thấy cuộc sống hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, bế tắc và khó có thể duy trì được nữa. Với sự phát triển hiện nay, đã có mẫu đơn xin ly hôn được in sẵn, vợ, chồng hoặc cả hai chỉ cần đến Tòa án mua bộ hồ sơ để điền thông tin. Thế nhưng nhiều người lại lựa chọn việc viết tay.
Mục lục
Đơn ly hôn viết tay được không? Tòa án có công nhận?
Việc viết tay đơn ly hôn có được Tòa án chấp nhận? Trên thực tế, đã có mẫu đơn ly hôn được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP. Thế nhưng, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định đến việc bắt buộc phải sử dụng mẫu đơn ly hôn được ban hành kèm Nghị quyết trên. Do đó, dù đơn phương hay thuận tình, đơn xin ly hôn viết bằng tay vẫn được chấp thuận.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ ly hôn, tùy theo từng Tòa án của mỗi địa phương sẽ có cách xử lý khác nhau. Vì vậy, sẽ có trường hợp những Tòa án sẽ không chấp nhận loại đơn ly hôn viết tay. Còn những nơi chấp thuận mẫu đơn ly hôn viết tay thì đương sự vẫn phải đảm bảo tính hợp lệ. Điều này dựa trên các tiêu chí như sau:
- Ngày, tháng làm đơn.
- Tên Tòa án có thẩm quyền nhận đơn.
- Họ tên, năm sinh, nơi cư trú, số CMND (hộ chiếu) của người viết đơn.
- Thông tin nơi cư trú của vợ (chồng), nêu rõ địa chỉ liên lạc.
- Nội dung xin ly hôn.
- Về con chung.
- Về tài sản chung.
- Chữ ký, họ và tên người làm đơn.
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng đơn ly hôn viết tay?
Khi viết đơn xin ly hôn bằng tay, vợ chồng cần chú ý những vấn đề như sau:
Về hình thức
Ở phần hình thức, một trong hai người hoặc các bên cần lưu ý những điều sau khi viết tay đơn ly hôn:
- Viết đúng Tòa án nhân dân có thẩm quyền: Đối với trường hợp ly hôn với người trong nước, thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Nếu ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết sẽ căn cứ theo Điều 37 của Bộ luật này.
- Thông tin nơi cư trú sẽ nêu rõ địa chỉ liên lạc: Địa chỉ được ghi nhận dựa trên địa giới hành chính của Việt Nam.
Về nội dung
Bên cạnh hình thức, người viết đơn cần chú ý đến nội dung của đơn xin ly hôn viết tay, cụ thể như sau:
- Nội dung xin ly hôn: Ở phần này cần đề cập đến tình trạng hôn nhân, mối quan hệ giữa hai người như còn sống cùng nhau hay không? Có mâu thuẫn không? Mức độ như thế nào…?
- Về con chung: Trong trường hợp cả hai bên đã có con, sẽ cần chú ý đến độ tuổi và nguyện vọng của con, con mong muốn được sống cùng bố hay cùng mẹ…
- Về tài sản chung: Liệt kê khối tài sản chung của hai người và yêu cầu Tòa án phân chia. Nếu có nợ, thì cần nêu rõ và đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ.
Ngoài đơn ly hôn cần chuẩn bị thêm các loại giấy tờ gì?
Để đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định pháp luật, đồng thời tạo tiền đề đẩy nhanh quá trình xử lý vụ việc, người làm đơn cần chuẩn bị thêm các loại giấy tờ, tài liệu như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính). Nếu không có bản chính sẽ nộp bản sao.
- Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của vợ và chồng (bản sao chứng thực).
- Giấy khai sinh của con (nếu có).
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao chứng thực).
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tranh chấp).
Với các loại tài liệu đã nêu trên, vợ, chồng hoặc cả hai sẽ gửi kèm đơn xin ly hôn viết tay đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Về thẩm quyền Tòa án nhân dân được quy định tại Điều 35 và 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.