[Giải đáp] Giấy quyết định ly hôn có quan trọng không?
Giấy quyết định ly hôn là giấy tờ được Tòa án cấp chứng minh quan hệ hôn nhân của vợ, chồng đã hoàn toàn chấm dứt. Vậy Giấy quyết định ly hôn có quan trọng không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về giấy quyết định ly hôn nhé!
Mục lục
1. Giấy quyết định ly hôn dùng để làm gì?
Định nghĩa về ly hôn được quy định tại Khoản 14 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, “ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.” khi vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn (đơn phương hoặc thuận tình) đều phải nhận được giấy quyết định bản án ly hôn. Tức là thực hiện xong thủ tục ly hôn tại Tòa án.
Có thể thấy rằng, giấy quyết định ly hôn là giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của 2 người đã chấm dứt, không còn là vợ – chồng. Khi đó nếu một người phát sinh quan hệ tình cảm với người khác sau khi được cấp giấy quyết định ly hôn thì sẽ không bị coi là ngoại tình và không vi phạm điều cấm của Luật.
2. Giấy quyết định ly hôn có quan trọng không?
Giấy quyết định ly hôn có quan trọng không? Đây là giấy tờ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tình trạng hôn nhân của hai người sau khi ly hôn. Đây là căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản chung, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng,… sau khi ly hôn.
Cụ thể, Giấy quyết định ly hôn có những ý nghĩa sau:
- Chứng minh việc hôn nhân đã chấm dứt hợp pháp: Giấy quyết định ly hôn là văn bản chính thức do Tòa án cấp ra, ghi nhận việc chấm dứt hôn nhân giữa hai người. Nhờ đó, hai người không còn là vợ chồng hợp pháp và có thể tự do kết hôn với người khác.
- Làm căn cứ giải quyết các vấn đề sau ly hôn: Giấy quyết định ly hôn ghi rõ thỏa thuận hoặc phán quyết của Tòa án về việc chia tài sản chung, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng,…. Đây là căn cứ pháp lý để thực hiện các nghĩa vụ này và giải quyết tranh chấp nếu có.
- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên: Giấy quyết định ly hôn giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vợ chồng và con cái sau khi ly hôn. Ví dụ, người được quyền nuôi con có thể sử dụng Giấy quyết định ly hôn để đăng ký hộ khẩu cho con, xin nhập học,…
- Dùng trong mua bán tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: Trong trường hợp sau khi ly hôn thì giấy quyết định ly hôn của Tòa án được sử dụng trong việc giao dịch mua, bán và là sở hữu riêng của cá nhân đương sự.
Như vậy, giấy quyết định ly hôn của Tòa án đóng vai trò quan trọng và là giấy tờ chứng minh các vấn đề như tình trạng hôn nhân, bảo vệ quyền lợi và các quyền giao dịch khác.
Xem thêm: Thủ tục ly hôn nhanh nhất là bao lâu theo pháp luật?
3. Làm mất giấy quyết định ly hôn của Tòa án có được xin cấp lại không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Sau khi giải quyết xong việc dân sự thì Tòa án sẽ gửi giấy quyết định ly hôn đến các bên có liên quan. Tuy nhiên, trong trường hợp làm mất giấy quyết định ly hôn thì phải được sự có quyền đến Tòa án trích lục bản án quyết định ly hôn theo quy định tại khoản 21 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Để xin cấp lại giấy quyết định ly hôn tại Tòa án thì người xin cấp cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ như sau:
- Đơn xin cấp bản sao bản án, quyết định. Trong đó, cần nêu rõ tên vụ án, số và ngày bản án hoặc quyết định.
- Bản sao giấy Căn cước công dân, hộ chiếu của người yêu cầu.
Chi phí xin cấp lại giấy quyết định ly hôn tuân theo Điều 45 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH, lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định ly hôn, người yêu cầu phải nộp. Trong đó, mức lệ phí này là 1.500 đồng/trang A4 theo phụ lục ban hành kèm Nghị quyết nêu trên.
Như vậy trong trường hợp chẳng may làm mất giấy quyết định ly hôn thì bạn đừng quá lo lắng. Vợ hoặc chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án cấp sao trích lục bản để được cấp lại. Giá trị của văn bản này tương đương với bản án hoặc quyết định gốc.