Giấy ly hôn xin ở đâu?
Không phải bất cứ ai cũng hiểu biết về pháp luật hôn nhân gia đình, vì vậy khi ly hôn nhiều cặp vợ chồng lúng túng không biết giấy ly hôn xin ở đâu? Giấy ly hôn viết như thế nào?….Bạn đừng lo lắng, Luật sư hôn nhân gia đình sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Giấy ly hôn xin ở đâu?
Đơn xin ly hôn là văn bản bắt buộc phải có trong hồ sơ khi thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án. Đơn ly hôn phải thể hiện hiện ý chí mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân; nguyện vọng về quyền nuôi, cấp dưỡng cho con; quan điểm về chia tài sản chung, nợ chung của người làm đơn.
Mẫu chuẩn của đơn ly hôn do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành tại Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP.
Trường hợp ly hôn đơn phương và cả ly hôn thuận tình sẽ sử dụng các biểu mẫu tương ứng tại: Mẫu số 23-DS: Đơn khởi kiện và Mẫu số 01-VDS: Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc xin mẫu đơn ly hôn tại đâu, cũng không có quy định nơi bán mẫu đơn xin ly hôn. Do vậy, bạn có thể tìm mẫu đơn ly hôn ở bất kỳ đâu miễn nó đáp ứng đủ nội dung quy định của pháp luật mà thôi, cụ thể như sau:
- Mua đơn tại Tòa án: Mỗi Tòa sẽ có sự điều chỉnh về nội dung sao cho phù hợp nhất, miễn không thay đổi những nội dung cơ bản của đơn xin ly hôn đơn phương. Các mẫu đơn này sẽ được in ra bản cứng và bán tại các tòa án giải quyết vụ việc ly hôn của bạn và được đóng dấu của tòa án;
- Tải các mẫu đơn trên mạng: Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, bất cứ vấn đề gì đều được tìm thấy trên mạng xã hội. Vì vậy các mẫu đơn ly hôn cũng vậy. Tuy nhiên, bạn đọc cần phải biết không phải mẫu đơn nào cũng đáp ứng yêu cầu của Tòa án. Việc viết đơn sai và bị trả lại sẽ làm bạn mất khá nhiều thời gian;
- Viết đơn ly hôn bằng tay;
- Tìm đến các công ty luật để được tư vấn về mẫu đơn xin ly hôn nhanh nhất.
Theo quy định của pháp luật, không cấm vợ, chồng sử dụng đơn xin ly hôn viết tay. Tuy nhiên, đơn yêu cầu ly hôn phải đầy đủ các thông tin và nội dung đúng nội dung quy định của pháp luật để được Tòa án tiếp nhận và thụ lý hồ sơ ly hôn.
2. Nội dung cơ bản của đơn ly hôn
2.1. Phần chung
- Thời gian kết hôn và chung sống;
- Địa chỉ chung sống;
- Hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không;
- Tình trạng mâu thuẫn vợ chồng và nguyên nhân mâu thuẫn;
- Đề nghị tòa án giải quyết việc ly hôn.
2.2. Con chung, gồm các nội dung sau:
- Thông tin con chung (nếu có): tên và ngày tháng năm sinh;
- Nguyện vọng và đề nghị nuôi con;
- Nếu chưa có con chung thì ghi là chưa có.
2.3. Tài sản chung, gồm các nội dung sau:
- Thông tin về tài sản (nếu có): liệt kê toàn bộ, trị giá thực tế;
- Đề nghị phân chia tài sản chung;
- Nếu không có tài sản chung thì ghi không có.
2.4. Nợ chung, gồm các nội dung sau:
- Chi cụ thể số nợ (nếu có): tiền hay tài sản, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ,…
- Đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ;
- Nếu không có nợ chung thì ghi không có.
3. Cách viết đơn ly hôn
– Về lý do xin ly hôn: Người viết đơn ly hôn cần đề cập tới thời gian kết hôn và chung sống của vợ chồng ở đâu, thời điểm nào? Bắt đầu phát sinh mâu thuẫn từ bao giờ? Mâu thuẫn cụ thể ra sao? Hiện nay có còn sống chung với nhau không? Lý do yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn là gì?
– Về con chung: Trường hợp đã có con chung thì ghi thông tin chi tiết của con chung (họ tên, sinh năm bao nhiêu), thỏa thuận của vợ/ chồng về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung, mức cấp dưỡng cụ thể. Nếu chưa thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án giải quyết như thế nào? Trường hợp chưa có con chung thì ghi không có con chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Về tài sản chung: Liệt kê toàn bộ thông tin về phần tài sản chung hiện có, giá trị thực tế và đề nghị phân chia. Trong trường hợp cả hai bên đã tự thỏa thuận được về tài sản chung thì nêu rõ vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu không có tài sản chung thì ghi rõ không có tài sản chung nên không yêu cầu giải quyết.
– Về nợ chung: Nếu có nợ chung thì cần ghi cụ thể số nợ, thông tin chi tiết về khoản nợ (chủ nợ, nợ tiền mặt hay nợ tài sản, thời gian trả nợ, …), và đề nghị Tòa án giải về nợ chung hoặc thỏa thuận của vợ chồng về việc giải quyết nợ chung. Nếu không có nợ chung thì ghi không có nợ chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.