Hướng dẫn cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất
Trong quá trình chung sống, vợ và chồng không thể tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn xảy ra hoặc những sự kiện không mong muốn và khó khăn để tiếp tục duy trì mối quan hệ này. Nếu không thể đi đến sự thống nhất về quan điểm mà một bên muốn ly hôn nhưng bên kia không đồng ý, lúc này pháp luật cho phép một trong hai bên có quyền làm đơn ly hôn đơn phương. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để cập nhật những thông tin về cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất trong trường hợp này nhé!
Mục lục
1. Thông tin về đơn ly hôn đơn phương
Để biết cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất và chính xác, người muốn ly hôn có thể đến Tòa án để mua bộ hồ sơ ly hôn đơn phương. Bộ hồ sơ này đã bao gồm mẫu đơn ly hôn đơn phương của Tòa án. Người đệ đơn có thể điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn hoặc tải mẫu đơn từ trang web của Tòa án, điền thông tin và gửi kèm các giấy tờ cần thiết theo hướng dẫn của Tòa án để giải quyết việc ly hôn của mình.
Ly hôn đơn phương là một tranh chấp về hôn nhân và gia đình nằm trong thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mẫu đơn ly hôn đơn phương và đơn khởi kiện chung đều dựa trên Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Trong đơn ly hôn đơn phương, người đệ đơn cần lưu ý các nội dung sau:
- Thông tin chung: Điền thông tin Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn. Cung cấp thông tin đầy đủ của người yêu cầu ly hôn (người khởi kiện) và người bị yêu cầu ly hôn (người bị khởi kiện), bao gồm họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân (CCCD), địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email (nếu có).
- Thông tin về quan hệ hôn nhân: Ghi thời gian kết hôn và quá trình chung sống, địa điểm chung sống, và xác định liệu hiện tại hai bên còn sống chung với nhau hay không. Trình bày lý do ly hôn, tình trạng mâu thuẫn và yêu cầu giải quyết ly hôn.
- Thông tin về con chung: Nếu có con chung, ghi thông tin về các con (tên, ngày tháng năm sinh), nguyện vọng và đề nghị về việc nuôi con, mức cấp dưỡng, v.v. Nếu không có con chung, chỉ đơn giản ghi “không có con chung”.
- Thông tin về tài sản: Liệt kê và mô tả chi tiết các tài sản chung của vợ chồng, bao gồm giá trị thực tế và đề xuất cụ thể về việc chia tài sản. Nếu không có tài sản chung, chỉ cần ghi “không có tài sản chung”.
- Thông tin về các nghĩa vụ tài chính chung: Nếu có nợ chung, ghi rõ số nợ (tiền hoặc tài sản), chủ nợ là ai, thời hạn trả nợ và đề nghị cách phân chia nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu không có nợ chung, chỉ cần ghi “không có nợ chung”.
- Chữ ký xác nhận của người yêu cầu ly hôn.
2. Hướng dẫn thủ tục cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất
Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất qua các bước sau:
2.1. Bước 1: Nộp đơn khởi kiện ly hôn
Căn cứ vào Điều 35 và Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Người yêu cầu ly hôn sẽ nộp đơn ly hôn đơn phương tới Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) cư trú, làm việc. Trong trường hợp, vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền mà thuộc về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự
2.2. Bước 2: Tòa án thông báo thụ lý và thông báo nộp tạm ứng án phí
Sau khi nhận được đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người yêu cầu ly hôn phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, mức tạm ứng án phí sơ thẩm đối với vụ án ly hôn là 300,000 đồng. Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí
2.3. Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án,
Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành hoặc được ghi rõ vào biên bản phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Nếu sau 7 ngày mà các bên đương sự không thay đổi về ý kiên thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án có hiệu lực sau khi ban hành, không bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có giá trị pháp lý bắt buộc các bên đương sự, cơ quan hữu quan phải chấp hành và thi hành
Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 208, 211, 212, 213, 220 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
2.4. Bước 4: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm
Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
2.5. Bước 5: Thi hành án hoặc kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tòa án có thẩm quyền ra bản án sơ thẩm nếu các đương sự không thực hiện thủ tục kháng cáo thì bản án có hiệu lực và được thi hành. Như vậy, đối với việc giải quyết ly hôn đơn phương, thời hạn giải quyết thông thường kéo dài từ 04- 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn cách làm đơn ly hôn đơn phương nhanh nhất mà chúng tôi muốn thông tin đến quý bạn đọc. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào thì hãy liên hệ với số điện thoại hotline của chúng tôi để được giải đáp và tư vấn hỗ trợ nhé!