Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn thuận tình
Để tiến hành thủ tục ly hôn theo đúng quy định của pháp luật, việc chuẩn bị hồ sơ, các loại giấy tờ tài liệu là điều rất quan trọng, trong đó có đơn xin ly hôn. Không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình xử lý vụ việc, đơn ly hôn còn đóng vai trò như một căn cứ để Tòa án xác định giải quyết có nên giải quyết hay không. Vậy cách viết đơn ly hôn thuận tình như thế nào?
Mục lục
1. Mẫu đơn ly hôn thuận tình là gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình 2014, có 02 loại ly hôn, bao gồm ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn. Theo đó, ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn do cả hai vợ chồng cùng yêu cầu và thỏa thuận về các vấn đề chung như quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản,…
Như vậy, mẫu đơn ly hôn thuận tình có thể hiểu là văn bản ghi nhận yêu cầu của vợ chồng, đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn và các vấn đề liên quan trong thời kỳ hôn nhân. Đây chính là căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý vụ việc phù hợp với mục đích của các bên và đúng với quy định pháp luật.
2. Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn thuận tình
Viết đơn ly hôn theo đúng quy định của pháp luật ở cả nội dung và hình thức về cơ bản cũng tương tự với đơn ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, sẽ có một số điểm khác biệt, tiêu biểu là trong phần quan hệ hôn nhân, con cái hoặc tài sản. Do đó, để đơn ly hôn thuận tình được hợp lệ, các cặp vợ chồng cần lưu ý những vấn đề sau:
2.1. Về quốc hiệu, tiêu ngữ
Cần phải căn chuẩn và căn giữa ở phần đầu, ghi đúng theo các văn bản hành chính thông thường. Cụ thể sẽ ghi “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
2.2. Về thông tin của hai vợ chồng
Điền đầy đủ thông tin về họ tên, ngày, tháng năm sinh, số CMND/ CCCD/ Hộ chiếu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại,… Người viết đơn cần lưu ý viết đúng và kiểm tra thật kỹ trước khi nộp đơn để tránh gặp những thiếu sót về sau.
2.3. Về quan hệ hôn nhân
Cần trình bày đầy đủ thời gian bắt đầu thời kỳ hôn nhân, quá trình hôn nhân, thời gian sống chung là bao lâu, lý do dẫn đến ly hôn,… Một số lý do điển hình có thể là bị bạo lực gia đình, bất đồng quan điểm, do đối phương ngoại tình,…
2.4. Về con cái
Nếu trong trường hợp có con chung, cần phải ghi đầy đủ thông tin về con chung, đặc biệt là độ tuổi và nguyện vọng của con. Ngoài ra, cần có thêm đề nghị nuôi con nếu người làm đơn muốn Tòa án giải quyết vấn đề này. Trong trường hợp hai vợ chồng đã có thỏa thuận thì cần ghi rõ thỏa thuận của các bên về người trực tiếp nuôi và không yêu cầu Tòa giải quyết.
2.5. Về tài sản chung
Trong trường hợp vợ, chồng đã có thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung thì cần phải ghi rõ nội dung của sự phân chia đó. Nếu không có thì ghi không có, nếu không có sự thỏa thuận hoặc thỏa thuận không phù hợp thì ghi rõ yêu cầu Tòa án phân chia.
2.6. Về nợ chung
Nếu có nợ chung trong hôn nhân, người làm đơn cần ghi cụ thể số nợ là bao nhiêu, chủ nợ là ai và thời gian trả nợ,… Trong trường hợp hai người đã có sự thỏa thuận với nhau về việc chia nợ chung thì sẽ ghi rõ nội dung thỏa thuận. Nếu không thể phân chia sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, vợ, chồng hoặc cả hai cần chú ý, phải viết đơn ly hôn đúng, kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, không được thêm thắt vấn đề hoặc ngụy tạo. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết mà chính bản thân người viết sẽ phải chịu trách nhiệm pháp luật tùy vào mức độ và trường hợp cụ thể.
3. Đơn xin ly hôn có bắt buộc phải viết tay hay không?
Đơn ly hôn là một loại tài liệu quan trọng, cần có trong hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định pháp luật nào bắt buộc các bên phải sử dụng mẫu đơn theo hình thức viết tay.
Trên thực tế, viết tay đơn ly hôn cũng có nhiều ưu điểm như tránh để thông tin về hôn nhân được nhiều người biết (trong trường hợp vợ chồng in văn bản đó ngoài tiệm). Ngoài ra, sử dụng đơn ly hôn viết tay còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đi mua mẫu đơn tại Tòa án.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian cũng như yêu cầu của từng Tòa án địa phương có thẩm quyền giải quyết mà vợ chồng có thể lựa chọn sử dụng loại mẫu đơn khác nhau. Trên thực tế hiện nay, có khá nhiều địa phương không chấp nhận giải quyết đơn ly hôn viết tay.
Do đó, các cặp vợ chồng cần linh hoạt trong vấn đề này. Thế nhưng, dù áp dụng hình thức nào, người viết cũng cần tuân thủ các mẫu chung của những văn bản hành chính như đã đề cập ở phần trên thì hồ sơ mới đáp ứng tiêu chí hợp lệ.
4. Nộp đơn xin ly hôn thuận tình ở đâu để được giải quyết?
Xác định thẩm quyền giải quyết khi thực hiện thủ tục ly hôn sẽ góp phần giúp cho vụ việc được giải quyết nhanh chóng, tránh mất nhiều thời gian của Cơ quan Nhà nước. Vì vậy, tùy từng trường hợp ly hôn, người làm đơn sẽ nộp đến Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết khác nhau. Đối với trường hợp ly hôn thuận tình, vợ chồng sẽ nộp tại:
- Tòa án cấp quận/ huyện nơi cư trú (đăng ký thường trú) để làm thủ tục căn cứ theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Do đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh/ thành phố có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc ly hôn, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
Như vậy, các cặp vợ chồng cần xác định vụ việc của mình thuộc trường hợp nào. Từ đó nhằm mục đích tiến hành viết đơn ly hôn và nộp đơn theo đúng Cơ quan có thẩm quyền mà pháp luật đã quy định.