Không cấp dưỡng sau khi ly hôn có vi phạm pháp luật không?
Cấp dưỡng là gì? Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn được áp dụng trong những trường hợp nào? Không cấp dưỡng sau khi ly hôn sẽ bị xử lý ra sao? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này chính xác nhất theo quy định của pháp luật nhé !
Mục lục
1. Cấp dưỡng là gì?
Trước khi tìm hiểu về quy định không cấp dưỡng sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào, bạn cần biết cấp dưỡng là gì. Khái niệm cấp dưỡng được quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình ( Luật HN&GĐ) năm 2014 như sau:
“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”
Từ khái niệm cấp dưỡng nói chung, có thể hiểu cấp dưỡng sau ly hôn là việc một người có trách nhiệm tài chính cung cấp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của vợ hoặc chồng sau khi họ đã ly hôn và gặp khó khăn tài chính, hoặc để đáp ứng nhu cầu của con cái sau ly hôn. Điều này áp dụng cho trường hợp con cái chưa đủ tuổi hoặc đã đủ tuổi nhưng không có khả năng kiếm tiền và không có tài sản để tự nuôi sống mình mà không sống cùng với một trong hai phụ huynh sau khi họ đã ly hôn.
2. Các trường hợp cấp dưỡng sau ly hôn
Theo quy định của pháp luật nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn được đặt ra trong các trường hợp sau:
2.1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho cho của cha, mẹ sau khi ly hôn đặt ra trong 02 trường hợp đó là:
Thứ nhất, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con chưa thành niên sau khi ly hôn:
- Điều 110 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
- Người chưa thành niên theo quy định tại Điều 21 BLDS năm 2015 là người từ sơ sinh đến chưa đủ 18 tuổi. Con chưa thành niên là đối tượng luôn luôn được cấp dưỡng khi cha, mẹ ly hôn mà không cần thêm bất cứ điều kiện nào khác.
Thứ hai, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con khi đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi ly hôn:
- Trong quy định của Điều 110 Luật HN&GĐ năm 2014 đã nêu ở trên thì con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để có thể tự nuôi mình thì cha, mẹ phải cấp dưỡng cho con sau ly hôn.
- Theo quy định tại Điều 20 của BLDS năm 2015, người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên. Để đáp ứng điều kiện được cấp dưỡng, con đã thành niên trong trường hợp này phải đáp ứng hai điều kiện là “không có khả năng lao động” và “ không có tài sản để tự nuôi mình”. Những trường hợp không có khả năng lao động có thể là không có đủ sức khỏe, bị ốm đau, bệnh tật thường xuyên hay có thể bị mất năng lực hành vi dân sự như bị tâm thần, mất trí nhớ,….
2.2. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Điều 115 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định như sau: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.
Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là khi một bên có khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng. Hay nói cách khác, người có yêu cầu cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, không có tiêu chỉ cụ thể để xác định thế nào là khó khăn, túng thiếu và lý do thế nào được coi là chính đảng. Do vậy, khi giải quyết các tình huống người áp dụng pháp luật phải căn cứ vào tình hình trên thực tế.
3. Trách nhiệm pháp lý khi không cấp dưỡng sau khi ly hôn quy
Không cấp dưỡng sau khi ly hôn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật như sau:
3.1. Mức phạt hành chính
Hiện nay theo quy tại Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoặc từ chối hoặc trốn nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5,000,000 đồng đến 10,000,000 đồng.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Không cấp dưỡng sau khi ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh chế tài hành chính, để đảm bảo nghĩa vụ cấp dưỡng nói chung và cấp dưỡng sau ly hôn nói riêng thì pháp luật hiện hành còn quy định chế tài xử lý hình sự đối với việc vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, cụ thể tại Điều 186 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 như sau:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn giải đáp được thắc mắc không cấp dưỡng sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào. Hy vọng rằng, qua bài viết này của Phan Law Vietnam sẽ giúp bạn nắm bắt được kiến thức liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn và hậu quả pháp lý khi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi bài viết này của chúng tôi, nếu có thắc mắc nào hãy gửi thông tin qua form liên hệ dưới đây.