Không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề trong gia đình
Gia đình là chiếc nôi đầu tiên nuôi dưỡng con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó là nơi đứa trẻ hình thành nhân cách, tiếp thu giá trị đạo đức và học cách ứng xử với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, đặc biệt là ở những vùng quê hoặc trong các gia đình có truyền thống dạy con bằng roi, cách dạy con này cũng được coi là bạo lực gia đình. Thay vì nói chuyện phân tích cho con hiểu vấn đề là vì sao cái này được làm cái kia không được làm thì các bậc cha mẹ đó chọn cách đánh đập, la mắng, dọa nạt để “dạy cho con một bài học”. Cách giải quyết này tưởng chừng như hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài lại để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho tâm lý và hành vi của trẻ. Do đó, không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề trong gia đình, nhất là đối với con cái.
1. Hệ quả tâm lý nặng nề đối với trẻ
Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình mà bạo lực là phương thức giao tiếp phổ biến sẽ dần hình thành cảm giác bất an, sợ hãi và khép kín hoặc sẽ trở thành bản sao của cha mẹ chọn cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Khi mỗi hành vi sai trái, mỗi lần nghịch ngợm hay tò mò của trẻ đều bị quy kết là “hư”, “cứng đầu” và phải “đánh cho chừa” thì đứa trẻ sẽ không học được bài học đúng – sai một cách rõ ràng. Thay vào đó, điều trẻ học được là: muốn tránh bị đánh thì phải che giấu, nói dối hoặc né tránh.


2. Trẻ dễ phát triển tâm lý phản kháng và nổi loạn
Điều dễ nhận thấy ở những gia đình thường xuyên dùng đòn roi là sự phản kháng âm ỉ hoặc công khai của trẻ. Khi bị cha mẹ mắng chửi, đánh đập liên tục mà không hề được giải thích rõ ràng về hành vi sai của mình, trẻ sẽ cảm thấy bị đối xử bất công. Sự ức chế, tủi thân và giận dữ bị dồn nén lâu ngày có thể chuyển hóa thành hành vi chống đối: cãi lại, cố tình làm trái, bỏ nhà đi, hoặc biểu hiện thái độ lạnh nhạt với cha mẹ.
Trẻ từ khoảng 7–8 tuổi đã bắt đầu có nhận thức tương đối rõ ràng về bản thân, về cảm xúc và sự công bằng. Nếu cha mẹ chỉ áp đặt hình phạt mà không phân tích vì sao trẻ sai, vì sao cần thay đổi, thì càng cấm trẻ càng thích làm. Tâm lý “làm cho bõ ghét” hoặc “trả đũa” có thể dần ăn sâu, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
3. Nguy cơ hình thành thói quen giải quyết vấn đề bằng bạo lực
Điều nguy hiểm nhất mà một đứa trẻ học được từ cách giáo dục bằng roi vọt, đó là: “muốn người khác nghe lời thì phải đánh đập, phải lớn tiếng, phải ép buộc”. Trẻ không hiểu được lý lẽ, không học được sự đồng cảm và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa. Khi ra ngoài xã hội, trẻ dễ trở thành người nóng tính, cục cằn và khi gặp vấn đề, phản xạ đầu tiên là to tiếng hoặc thậm chí dùng vũ lực đánh nhau để giải quyết vấn đề.
Trong nhiều trường hợp, trẻ lớn lên và trở thành cha mẹ, chúng lại tiếp tục vòng luẩn quẩn này với con cái của mình. Bởi vì trong tiềm thức, chúng đã được “lập trình” rằng: làm cha mẹ là có quyền đánh con, dạy con bằng đòn roi là bình thường. Từ đó, bạo lực trong gia đình không chỉ dừng lại ở một thế hệ mà còn có nguy cơ truyền từ đời này sang đời khác.
4. Sự rạn nứt trong mối quan hệ cha mẹ – con cái
Khi bạo lực trở thành công cụ duy nhất trong việc dạy con, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không thể phát triển lành mạnh. Trẻ sẽ dần mất niềm tin vào cha mẹ, không còn muốn chia sẻ, tâm sự hay nhờ cha mẹ giúp đỡ khi gặp vấn đề. Nhiều cha mẹ thường than phiền: “Nó chẳng bao giờ chịu kể gì cho tôi nghe”, mà quên rằng chính mình đã khiến con sợ hãi, xa lánh từ những trận đòn ngày bé.
Sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau chính là nguyên nhân khiến tình cảm gia đình nguội lạnh. Cha mẹ thì cảm thấy con cái không biết điều, không nghe lời. Con cái lại cảm thấy cha mẹ áp đặt, độc đoán, không yêu thương thật sự. Cả hai bên đều có khoảng cách, nhưng không ai đứng ra làm cầu nối để hàn gắn, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của tổn thương và im lặng.


5. Hướng giải quyết: Nuôi dạy con bằng tình thương và lý trí
Để thoát khỏi vòng xoáy bạo lực trong gia đình, điều đầu tiên là cha mẹ cần thay đổi tư duy. Giáo dục không phải là trừng phạt, mà là hướng dẫn và đồng hành cùng con trẻ. Trẻ em không phải là “tờ giấy trắng” có thể muốn vẽ gì thì vẽ, mà là những con người nhỏ bé cần được hiểu và tôn trọng. Khi con cái mắc lỗi, thay vì đánh đòn thì hãy hỏi xem nguyên nhân vì sao, phân tích hậu quả mà con đã làm và cùng con tìm cách khắc phục.
Cha mẹ cần học kỹ năng giao tiếp với trẻ, biết kiềm chế cảm xúc khi tức giận và chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện. Việc la mắng hay trừng phạt lúc bản thân đang nóng giận chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, đưa ra quan điểm và giải thích hành vi của mình. Từ đó, trẻ dần học được cách chịu trách nhiệm và suy nghĩ trước khi hành động.
Đặc biệt, trong mỗi gia đình, cần có “cầu nối” có thể là người cha hoặc người mẹ làm trung gian, lắng nghe cả hai phía và giúp điều hòa các mâu thuẫn diễn ra. Không để những căng thẳng kéo dài mà không được giải tỏa.
6. Nhà trường và xã hội cần vào cuộc
Bên cạnh gia đình, nhà trường và cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình. Các chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, lớp học về tâm lý trẻ em, buổi trò chuyện về bạo lực gia đình… nên được tổ chức thường xuyên, nhất là ở các địa phương còn quan điểm về việc “yêu cho roi cho vọt”.
Hệ thống bảo vệ trẻ em – từ đường dây nóng đến các trung tâm tư vấn – cần hoạt động hiệu quả hơn, để trẻ có nơi tìm đến khi bị bạo hành. Bên cạnh đó, truyền thông cũng cần góp phần thay đổi nhận thức xã hội, cổ vũ các phương pháp giáo dục tích cực và lan tỏa những câu chuyện cha mẹ – con cái cùng nhau vượt qua khó khăn mà không cần đến bạo lực.
Như vậy, có thể thấy việc dạy con bằng bạo lực không phải là cách dạy dỗ hiệu quả, mà là sự bất lực trong vai trò làm cha mẹ. Bạo lực không làm trẻ tốt hơn, mà chỉ khiến chúng tổn thương và lạc lối. Muốn con cái trở thành người tử tế, biết yêu thương và có trách nhiệm, điều cha mẹ cần gieo đầu tiên không phải là roi vọt, mà là sự thấu hiểu, kiên nhẫn và tình yêu thương đúng cách. Gia đình hạnh phúc không phải là nơi không có lỗi lầm, mà là nơi mọi sai lầm đều được tha thứ và sửa chữa bằng sự bao dung và đồng hành.