Làm đơn ly hôn cần những gì để quá trình giải quyết nhanh chóng hơn?
Chuẩn bị đơn khi có nhu cầu ly hôn là cơ sở quan trọng, góp phần đem lại hiệu quả giải quyết, thúc đẩy quá trình xem xét, xử lý cho một vụ việc hoặc vụ án tại Cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc chuẩn bị còn phải dựa trên nhiều yếu tố mà chưa chắc người tiến hành thủ tục này đã hiểu rõ. Vậy làm đơn ly hôn cần những gì?
Mục lục
Đơn xin ly hôn được hiểu như thế nào?
Đơn xin ly hôn có thể hiểu là văn bản ghi nhận yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai, đề nghị Tòa án giải quyết cho việc chấm dứt thời kỳ hôn nhân theo pháp luật và các vấn đề liên quan. Những vấn đề đó thường là quyền nuôi con, tranh chấp tài sản chung giữa hai người. Theo đó, các bên sẽ sử dụng đơn xin ly hôn theo hai hình thức viết tay hoặc mẫu của Tòa án.
Làm đơn ly hôn cần những gì để quá trình giải quyết nhanh chóng?
Làm đơn ly hôn cần những gì? Để quá trình giải quyết ly hôn thuận lợi, chúng tôi sẽ nêu ra các vấn đề cần lưu ý khi làm đơn ly hôn.
Chuẩn bị tâm lý khi làm đơn ly hôn
Chuẩn bị tâm lý trước khi làm đơn ly hôn là một bước quan trọng. Mặc dù không tác động quá nhiều đến quá trình làm đơn, tuy nhiên, việc này cũng có thể gây ra nhiều câu chuyện rắc rối. Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp chỉ vì tranh cãi những điều nhỏ nhặt, dẫn đến lúc nóng giận làm ngay đơn ly hôn mà không nghĩ đến những vấn đề pháp lý sau đó.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định của Tòa án. Do vậy, mọi thủ tục sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, cùng với đó là sự phân chia quyền nuôi con, tài sản chung của hai vợ chồng. Ngoài ra, để giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ trầm trọng hôn nhân, vợ hoặc chồng có phải là nạn nhân của bạo lực gia đình hay không,… Chính vì thế, chuẩn bị tâm lý khi làm đơn ly hôn cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.
Xác định về trường hợp ly hôn
Theo quy định của pháp luật Hôn nhân và Gia đình, có 02 trường hợp ly hôn phổ biến đó là đồng thuận ly hôn và đơn phương ly hôn. Cụ thể như sau:
- Ly hôn thuận tình : Căn cứ theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn thuận tình là do yêu cầu của hai bên vợ và chồng cùng đồng ý ly hôn, thể hiện rõ sự tự nguyện.
- Đơn phương ly hôn: Do ý chí của một bên yêu cầu ly hôn.
Khi xác định được chính xác trường hợp ly hôn của vợ, chồng hoặc cả hai sẽ sử dụng mẫu đơn ly hôn theo đúng yêu cầu của pháp luật. Đối với thuận tình ly hôn, cả hai vợ chồng sẽ dùng mẫu số 01 – VDS quy định tại Nghị quyết 04/2018/NQ – HĐTP. Trong trường hợp đơn phương ly hôn, người yêu cầu sẽ sử dụng mẫu số 23 – DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP.
Tìm hiểu vấn đề pháp lý khi ly hôn
Làm đơn ly hôn cần những gì để đem lại hiệu quả giải quyết? Một trong những việc cần làm là bạn cần tìm hiểu các vấn đề pháp lý khi ly hôn. Ở mục này, vợ, chồng hoặc cả hai cần chú ý đến những điều sau:
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Để giải quyết đơn ly hôn, xác định cấp có thẩm quyền giải quyết là điều rất cần thiết, tránh trường hợp nộp sai dẫn đến chậm quá trình xử lý. Theo đó, Tòa án cấp huyện sẽ là Cơ quan giải quyết vụ ly hôn trong nước. Đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền thuộc về Tòa án cấp tỉnh.
- Nguyên tắc giải quyết tài sản chung: Chia tài sản chung sẽ ưu tiên dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được, việc giải quyết sẽ được cụ thể hóa tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
- Quyền nuôi con, nghĩa vụ và quyền hạn của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con: Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật này thì vợ chồng có thể thỏa thuận ai là người nuôi con trực tiếp. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận không được, Tòa sẽ giải quyết dựa trên độ tuổi và lợi ích tốt nhất cho con. Đối với quyền hạn, nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sẽ được quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
- Điều kiện để giải quyết ly hôn: Tòa sẽ giải quyết ly hôn nếu xác định được sự trầm trọng của quan hệ hôn nhân, bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ, chồng với người còn lại.