Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?
Ly hôn đơn phương là hình thức ly hôn bên cạnh hình thức thuận tình ly hôn. Ly hôn đơn phương có nhanh hay không? Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu trình tự thủ tục ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục lục
1. Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối tượng được yêu cầu ly hôn đơn phương là:
Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Toà án sẽ dựa vào các căn cứ luật định để đưa ra quyết định giải quyết vụ án ly hôn. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn thủ tục được giải quyết nhanh chóng thì một trong các bên phải cung cấp đầy đủ các chứng cứ có liên quan. Theo đó khi có yêu cầu đơn phương ly hôn,vợ/chồng phải chứng minh được một trong các điều kiện sau:
– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình.
– Có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng.
– Đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:
- Đơn ly hôn theo mẫu;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nếu mất bạn có thể đến UBND cấp xã nơi vợ chồng đã đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn;
- Bản sao chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (CMND) (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao sổ hộ khẩu của vợ, chồng (có chứng thực, công chứng). Nếu bị mất bạn cần liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi người yêu cầu thường trú xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này rất khó khăn, nếu cần thiết bạn có thể xin xác nhận của công an xác vào đơn ly hôn;
- Bản sao giấy khai sinh của con (có chứng thực, công chứng). Nếu bị mất bạn có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao;
- Bản sao các giấy tờ chứng nhận tài sản cần chia như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ; đăng ký xe; sổ tiết kiệm;…
- Các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; chứng cứ chứng minh vợ chồng mất tích trong trường hợp yêu cầu ly hôn khi vợ chồng bị tuyên bố mất tích.
2. Thời hạn giải quyết ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết ly hôn, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu giải quyết ly hôn.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn và có một trong các quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn; chuyển đơn khởi kiện; trả lại đơn khởi kiện.
Sau khi nhận đơn yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương và tài liệu, chứng cứ kèm theo, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người yêu cầu biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền cho tòa án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có). Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án ly hôn đơn phương sẽ có hiệu lực pháp luật.