Ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian?
Ly hôn đơn phương là quá trình phá vỡ hôn nhân mà một bên yêu cầu ly hôn mà không được sự đồng ý của bên còn lại. Một trong những câu hỏi thường được đặt ra trong trường hợp này là ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thời gian ước lượng và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình này.
Mục lục
1. Ly hôn đơn phương là gì?
Trước khi tìm hiểu ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian thì bạn nên biết ly hôn đơn phương là gì? Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có thể được Tòa án giải quyết theo yêu cầu của một bên. Theo đó, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu có một trong các căn cứ:
- Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình;
- Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của mình làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể tiếp tục chung sống với nhau và mục đích xây dựng gia đình không đạt được;
- Khi Tòa tuyên bố một trong hai người đã mất tích…
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đối tượng được yêu cầu ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên) là:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
2. Ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian theo quy định pháp luật
Theo Điều 203 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong trường hợp ly hôn đơn phương, “Thời gian chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn là 4 tháng, tuy nhiên nếu vụ án ly hôn có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian giải quyết là 6 tháng.”
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn (3 lần);
Vì có rất nhiều thủ tục Tòa án phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án và có thể có nhiều vấn đề trở ngại xảy ra khiến thời gian thay đổi. Do đó, thực tế cho thấy thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn quy định pháp luật, phụ thuộc vào tính chất của từng vụ án.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian giải quyết ly hôn đơn phương
Trong trường hợp ly hôn đơn phương, khi một bên yêu cầu ly hôn, có nhiều trường hợp bên kia gây khó khăn, trở ngại thậm chí cản trở quá trình ly hôn hoặc khối tài sản cần phải phân chia trong vụ án ly hôn lớn, dẫn đến việc Tòa án phải thực hiện các phiên xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nhiều lần, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện đơn phương ly hôn.
4. Những điều cần lưu ý để Ly hôn đơn phương nhanh chóng
Sau khi bạn đã biết ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Đầu tiên, cần có một lý do và bằng chứng ly hôn mà Tòa án có thể chấp nhận đơn ly hôn đơn phương ngay sau khi nộp đơn, mà không cần phải sửa đổi đơn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian giải quyết vụ án. Ví dụ: Một trong hai bên vợ hoặc chồng phải có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, như chung thuỷ và yêu thương lẫn nhau. Hành vi này khiến cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng, không thể sống chung với nhau nên cần thiết phải ly hôn.
Thứ hai, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ly hôn. Khi hồ sơ ly hôn đầy đủ, không cần thêm thời gian để sửa đổi hoặc bổ sung. Theo Điều 193 trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án chỉ cho phép vợ chồng sửa đổi hoặc bổ sung trong khoảng thời gian không quá 1 tháng, hoặc gia hạn thêm không quá 15 ngày nếu có trường hợp đặc biệt.
Thứ ba, cần có mặt khi được Toà án triệu tập theo quy định tại Điều 227 trong Bộ luật Tố tụng dân sự:
- Nếu vắng mặt trong lần triệu tập đầu tiên, Toà án sẽ hoãn phiên tòa trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Nếu vắng mặt trong lần triệu tập thứ hai, Toà án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án do xem như nguyên đơn đã từ bỏ yêu cầu khởi kiện.
Vì vậy, để tránh kéo dài thời gian giải quyết, cần đảm bảo có đơn xét xử vắng mặt hoặc có mặt khi Tòa án triệu tập một cách hợp lệ.
Thứ tư, không yêu cầu Toà án hoà giải, vì theo Điều 207 trong Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu một trong các bên không đồng ý hòa giải, vụ án ly hôn đơn phương này sẽ không được hoà giải. Do đó, thời gian chuẩn bị cho phiên tòa có thể được rút ngắn so với quy trình thông thường.
Thông qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng quý vị có được câu trả lời cho câu hỏi ly hôn đơn phương mất bao nhiêu thời gian. Nếu còn điều gì thắc mắc hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được hỗ trợ kịp thời.