Ly hôn khi chưa đăng ký kết hôn
Hôn nhân là quan hệ của vợ và chồng sau khi đăng ký kết hôn. Vậy kết hôn là gì? Việc tổ chức đám cưới, được gia đình hai bên thừa nhận có phải là kết hôn không? Theo Luật Hôn nhân và gia đình (HNGD) 2014 quy định kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật HNGD về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Mục lục
Về điều kiện kết hôn:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật HNGD 2014.
Quy định về đăng ký kết hôn đó là việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Hệ quả của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Có thể thấy yếu tố đăng ký kết hôn là một trong số những điều kiện quan trọng trong hôn nhân, và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Nếu như hai bên nam, nữ xác lập quan hệ hôn nhân không đáp ứng các điều kiện của Luật HNGD 2014 thì sẽ không được pháp luật thừa nhận. Và hệ quả của việc nam, nữ sống chung như vợ chồng có đủ điều kiện nhưng không có đăng ký kết hôn thì:
Thứ nhất, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng (Điều 14 Luật HNGD 2014).
Thứ hai, giải quyết con cái căn cứ theo Điều 15 Luật HNGD thì quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật HNGD 2014 này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Thứ ba, về tài sản, và nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo Điều 16 Luật HNGD được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Việc nam, nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có những bất lợi như: không được hưởng quyền và nghĩa vụ với nhau, không được pháp luật thừa nhận là đại diện của nhau, và được hưởng quyền ngang nhau về tài sản… Pháp luật Việt Nam có thừa nhận trường hợp ngoại lệ khi không đăng ký kết hôn đó là trường hợp hôn nhân thực tế. Căn cứ theo Điểm a Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hôn nhân thực tế. Theo Tòa dân sự TANDTC thì hôn nhân thực tế phải đáp ứng được cả hai điều kiện về hình thức và nội dung.
Về hình thức: hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà không đăng ký kết hôn.
Về nội dung: Hai bên nam, nữ phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định luật HNGD 1960 (trừ những trường hợp cán bộ miền nam tập kết ra Bắc trước giải phóng lấy tiếp vợ 2 đã có thông tư số 60 ngày 22.2.1978 của Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn là: người chồng và hai người vợ có thể thoả thuận chung sống ổn thỏa, tức là toà án không phải huỷ hôn nhân lần thứ hai. Sẽ tiến hành huỷ hôn nhân trong trường hợp có yêu cầu của một hoặc cả hai người vợ (giải quyết theo yêu cầu của vợ).
Như vậy, hôn nhân thực tế dù không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận. Chính vì thế mà việc ly hôn của những hôn nhân thực tế sẽ được giải quyết như vụ việc ly hôn có đăng ký kết hôn bình thường. Chỉ có trường hợp ngoại lệ trên, trong trường hợp không đi đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật thừa nhận. Còn lại những trường hợp khác không được thừa nhận và khi ly hôn không được giải quyết như trường hợp hôn nhân được pháp luật thừa nhận.