Nộp đơn ly hôn ở xã hay huyện?
Có rất nhiều vấn đề pháp lý xung quanh việc ly hôn và không phải cặp vợ chồng nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý để dễ dàng thực hiện thủ tục ly hôn. Một trong những câu hỏi quan trọng đó là nộp đơn ly hôn ở xã hay huyện? Nếu bạn nộp sai thì bạn có thể bị trả đơn ly hôn và quá trình ly hôn bị gián đoạn.
Mục lục
1. Nộp đơn ly hôn ở xã hay huyện?
Ly hôn được định nghĩa tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là: “việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Để thực hiện thủ tục ly hôn theo yêu cầu bạn phải làm đơn ly hôn nộp đến tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự mà pháp luật quy định.
Để xác định Tòa án nào thụ lý đơn ly hôn thì cần xem xét đến nhiều yếu tố khác nhau như ly hôn thuận tình, đơn phương ly hôn hay ly hôn có yếu tố nước ngoài. Chỉ khi xác định được đúng Tòa án có thẩm quyền thì thủ tục giải quyết ly hôn mới được diễn ra nhanh chóng.
Trong trường hợp ly hôn thuận tình, việc nộp đơn ly hôn ở đâu cũng là một trong những việc hai vợ chồng có thể thỏa thuận. Khi đó, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Trong trường hợp ly hôn đơn phương thì để có thể xác định nộp đơn ly hôn ở đâu cần xét tùy từng trường hợp khác nhau. Thông thường khi trường hợp ly hôn đơn phương cần căn cứ theo nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bị đơn. Việc gửi đơn này đảm bảo cho phía bị đơn không bị mất thời gian đến nơi người có yêu cầu đơn phương để giải quyết vụ việc.
Khi không xác định được nơi bị đơn cư trú thì có thể liên hệ và nộp hồ sơ tại Tòa án nơi người này làm việc; Nếu không biết cả nơi cư trú và nơi làm việc thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
Nếu bị đơn mất tích mà không xác định được nơi cư trú thì bắt buộc phải yêu cầu Tòa án tuyên bố người này mất tích.
Trường hợp ly hôn khi có yếu tố nước ngoài căn cứ điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài giữa: Công dân Việt Nam với người nước ngoài; Người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; Nếu người Việt Nam ly hôn với người nước ngoài nhưng không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm ly hôn nhưng hai vợ chồng không có nơi thường trú chung.
Tòa án cấp huyện sẽ không có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài trừ khi giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Còn các trường hợp có yếu tố nước ngoài khác, thẩm quyền thuộc về Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú của người Việt Nam.
Theo những phân tích như trên thì Đơn ly hôn được nộp ở án nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh tuỳ theo từng vụ việc khác nhau.
2. Hồ sơ nộp kèm đơn ly hôn là gì?
2.1. Ly hôn đơn phương
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu của người xin ly hôn đơn phương;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu mất bản gốc thì nộp bản trích lục đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con chung, riêng;
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn;
- Bản sao công chứng giấy tờ liên quan đến tài sản chung yêu cầu phân chia.
2.2. Hồ sơ ly hôn thuận tình
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con và chia tài sản chung có chữ ký của hai vợ chồng và đóng dấu xác nhận của UBND xã phường;
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu của hai vợ chồng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu mất bản gốc thì nộp bản trích lục đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con chung, riêng;
- Bản sao công chứng giấy tờ liên quan đến tài sản chung yêu cầu phân chia;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh đối với con chung, con riêng quốc tịch Việt Nam.