PHẠM VI ỦY QUYỀN TRONG GIẢI QUYẾT LY HÔN
Ly hôn là một quyết định hệ trọng của mỗi cặp vợ chồng khi không thể cố gắng hàn gắn mối quan hệ. Nó cũng là một trong những quan hệ dân sự gắn liền với quyền nhân thân của mỗi con người. Trong các quy định của Luật Dân sự có quy định về hình thức đại diện theo ủy quyền, đây là hình thức thay mặt trong việc tham gia giải quyết các vụ án dân sự. Vậy việc giải quyết ly hôn có thể ủy quyền hay không và phạm vi của nó như thế nào?
Phạm vi ủy quyền trong giải quyết ly hôn như thế nào ?
Điều 24 Bộ Luật Dân sự (BLDS): “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Điều 42 BLDS quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”
Khi giải quyết ly hôn, có nhiều cặp vợ chồng vì nhiều lý do, cố tình tránh gặp mặt nhau, nhiều người không muốn nói chuyện, trao đổi, thỏa thuận gì với đối phương; đối phương muốn như thế nào, quyết định ra sao đều đồng ý hết và coi đó là lý do để không cần đến tòa. Vậy, có thể giải quyết ly hôn mà không cần đến tòa được không?
Câu trả lời là không, vì trong bất ký trường hợp nào, đương sự dù có mong muốn hay không cũng phải có trách nhiệm phải đưa ra lời khai của mình. Nếu thực sự không thể, không muốn tham gia phiên tòa thì có duy nhất một cách là làm thủ tục chứng thực chữ ký của mình tại cơ quan tư pháp của UBND quận (huyện) về những nội dung mong muốn (từ bỏ). Để được tòa án chấp thuận và ra quyết định xét xử (giải quyết) ly hôn vắng mặt.
Quyền ly hôn là quyền nhân thân của mỗi cá nhân, nên không thể chuyển giao cho người khác, có nghĩa là không được ủy quyền cho người khác giải quyết ly hôn thay cho mình.
Xung quanh phạm vi ủy quyền trong việc ly hôn, có nhiều ý kiến cho rằng không thể ủy quyền trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên trên thực tế nhiều vụ việc tranh chấp tài sản sau ly hôn của hai vợ chồng, một trong hai người hoàn toàn có thể ủy quyền cho luật sư thay mặt mình khi giải quyết vấn đề tài sản. Điều đó có nghĩa là Tòa án chỉ tham gia vào việc ra phán quyết về việc có đồng ý cho ly hôn hay không, các vấn đề khác liên quan đến con cái, tài sản có thể tự thỏa thuận với nhau. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa giải quyết, lúc này họ hoàn toàn có quyền ủy quyền cho người đại diện của mình.