Thủ tục làm đơn ly hôn đơn phương
Ngoài việc có thể thỏa thuận ly hôn, vợ hoặc chồng có thể gửi yêu cầu đến Tòa án yêu cầu ly hôn đơn phương nếu bên còn lại không đồng ý. Vậy thủ tục làm đơn ly hôn đơn phương được quy định thế nào theo quy định hiện hành? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Mục lục
1. Ly hôn đơn phương
Ly hôn đơn phương là khi người chồng hoặc người vợ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Điều kiện để Tòa xem xét công nhận ly hôn đơn phương:
- Kết hôn mà không có con: Lúc này mục đích hôn nhân không đạt được, việc duy trì nòi giống không thể thực hiện thì Tòa án đồng ý cho phép đơn phương ly hôn;
- Tình trạng hôn nhân trầm trọng: Ví dụ như đối phương ngoại tình hoặc cả hai đã ly thân trong thời gian dài mà không thể hàn gắn;
- Việc sống chung sẽ gây nguy hiểm hoặc đe dọa gây nguy hiểm cho đối phương hoặc con cái như bạo lực gia đình, nghiện rượu hoặc nghiện ma túy;
- Đối phương bị Tòa tuyên bố mất tích.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn:
Trường hợp người chồng không được phép đơn phương ly hôn đó là :
- Người vợ đang có thai;
- Người vợ đang trong thời gian sinh con;
- Người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- Không có căn cứ có về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Thực chất những quy định này nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Không hạn chế quyền ly hôn của vợ. Có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, hoặc cả vợ và chồng cùng làm thủ tục công nhận thuận tình ly hôn mặc dù đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.
2. Thủ tục làm đơn ly hôn đơn phương
Đơn xin ly hôn đơn phương còn được gọi là đơn khởi kiện ly hôn, cách viết đơn khởi kiện ly hôn như sau:
– Tại phần “Kính gửi” của Đơn khởi kiện ly hôn cần ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Nếu là TAND cấp huyện, thì cần ghi rõ TAND huyện/quận nào thuộc tỉnh, thành phố nào; nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào và địa chỉ của Toà án đó.
– Phần thông tin cá nhân của người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên qua trong đơn khởi kiện ly hôn: Cần phải ghi đầy đủ, chính xác để Tòa án tống đạt văn bản. Những thông tin cá nhân này, nếu không điền đầy đủ thông tin về địa chỉ thì theo quy định tại điều 193, Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm phán sẽ có văn bản yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn bằng cách hoàn thiện đúng và đủ thông tin.
– Tại phần “Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây”, trong đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn cần nêu được 03 vấn đề là: Quan hệ tình cảm; Nuôi con và trợ cấp nuôi con; Tài sản và nợ chung. Cụ thể:
- Quan hệ tình cảm: Cần ghi thời gian kết hôn, địa điểm chung sống, ly thân (nếu có). Mâu thuẫn là gì, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và đề nghị Tòa giải quyết việc ly hôn;
- Nuôi con và trợ cấp nuôi con: Nếu đã có con chung ghi thông tin các con chung (tên, ngày tháng năm sinh…), nguyện vọng và đề nghị nuôi con, mức trợ cấp. Nếu chưa có con chung ghi chưa có;
- Về tài sản chung: Nếu có tài sản chung thì ghi rõ ên của toàn bộ bất động sản và động sản, kể cả tài sản đang cho vay, mượn, thuê, gửi ngân hàng…; trị giá thực tế; đề nghị phân chia… Nếu không có tài sản chung ghi không có;
- Phần nợ chung: Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ (tiền hay tài sản, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ…) và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu không có nợ chung ghi không có.
3. Thủ tục ly hôn đơn phương
– Thụ lý đơn ly hôn: Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí.
– Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì ghi biên bản xác nhận hòa giải thành và kết thúc vụ án. Nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.
– Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.