Thủ tục ly hôn thuận tình cần trải qua những bước nào?
Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng sẽ đạt được mục đích. Trong trường hợp hai bên vợ chồng đều thống nhất không thể tiếp tục mối quan hệ hôn nhân, pháp luật cho phép họ thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn. Thuận tình ly hôn được hiểu đơn giản là ly hôn tự nguyện theo ý chí của cả hai bên vợ, chồng. Tìm hiểu kỹ hơn về các bước ly hôn thuận tình theo quy định của pháp luật hiện hành ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Có bao nhiêu hình thức ly hôn?
Các hình thức ly hôn theo quy định pháp luật hiện hành được phân chia dựa trên chủ thể yêu cầu ly hôn. Cụ thể:
Thủ tục ly hôn thuận tình là thủ tục xuất phát từ yêu cầu ly hôn đồng thời của cả vợ và chồng. Theo hướng dẫn tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Thủ tục ly hôn đơn phương là thủ tục ly hôn xuất phát từ yêu cầu một bên. Để Tòa án xử lý ly hôn, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng phải thực sự lâm vào trầm trọng, không thể tiếp tục vì vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Từng bước thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn
Thủ tục thuận tình ly hôn là một trong các thủ tục dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Dân sự. Tòa án sẽ tiếp nhận yêu cầu ly hôn thuận tình để xử lý theo quy trình tố tụng của vụ việc dân sự.
Hồ sơ ly hôn thuận tình
Bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau để nộp đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền:
- Đơn thuận tình ly hôn
- Giấy đăng ký kết hôn
- Sổ hộ khẩu hai vợ chồng, giấy tờ chứng minh nhân thân của hai vợ chồng (chứng minh nhân dân, căn cước công dân…)
- Giấy khai sinh của con chung
- Các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng
- Các tài liệu khác có liên quan
Nộp hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn
Trường hợp ly hôn không có yếu tố nước ngoài, bạn phải nộp hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi vợ, chồng sinh sống/làm việc. Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Chánh án tòa án sẽ phân công Thẩm phán trực tiếp tiếp nhận để giải quyết yêu cầu của bạn.
Tiếp nhận xử lý vụ việc ly hôn
Trường hợp xét thấy yêu cầu và hồ sơ thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình đầy đủ và hợp lệ, Thẩm phán sẽ gửi thông báo tiếp nhận và yêu cầu nộp lệ phí cho người nộp đơn yêu cầu ly hôn.
Hòa giải trong thủ tục ly hôn thuận tình
Tòa án sẽ tổ chức hòa giải đối với vợ chồng yêu cầu ly hôn. Trường hợp hòa giải thành, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ yêu cầu ly hôn. Đối với trường hợp hòa giải không thành, hai bên vợ chồng không còn bất kỳ tranh chấp gì đối với tài sản, con cái sau khi ly hôn; Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các bên.
Cần lưu ý gì đối với thủ tục thuận tình ly hôn?
Để có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn thuận tình, bạn cần lưu ý một số những vấn đề sau:
- Hai vợ, chồng phải thực sự tự nguyện muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân
- Đã thỏa thuận hoàn chỉnh về cách xử lý tài sản chung, nợ chung, con chung… sau khi ly hôn
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và xác định chính xác tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.