Thủ tục tách khẩu sau ly hôn thực hiện như thế nào?
Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng sẽ xảy ra nếu giữa hai vợ chồng không còn tiếng nói chung và hôn nhân đã không hạnh phúc. Do đó, sau khi đã có quyết định hoặc bản án của Tòa án, hoặc thậm chí trước khoảng thời gian này, một trong các bên, đặc biệt là người vợ sẽ tiến hành việc cắt hộ khẩu. Vậy thủ tục tách khẩu sau ly hôn được thực hiện như thế nào?
Mục lục
1. Điều kiện để thực hiện thủ tục tách khẩu
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, để thực hiện thủ tục tách khẩu sau ly hôn không quá phức tạp. Theo đó, điều kiện cụ thể cần đáp ứng đã được quy định tại Điều 25 Luật Cư trú 2020 như sau:
“Điều 25. Tách hộ
1. Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.”
2. Hồ sơ tách khẩu theo quy định pháp luật
Về cơ bản, tại khoản 2 Điều 25 Luật Cư trú 2020 đã quy định cụ thể về hồ sơ tách khẩu. Như vậy, hồ sơ để thực hiện thủ tục này gồm có những thành phần giấy tờ như sau:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Đối với trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2020 thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu minh chứng việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
3. Thủ tục tách khẩu sau ly hôn được thực hiện như thế nào?
Để thực hiện thủ tục tách hộ khẩu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, người đăng ký sẽ tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có yêu cầu tách khẩu sau ly hôn sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ để nộp đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Giấy tờ, tài liệu để thực hiện thủ tục này đã được nêu chi tiết ở phần trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ tài liệu có trong hồ sơ tách khẩu, người có yêu cầu sẽ nộp đến Cơ quan sau:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, hồ sơ sẽ được nộp đến Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh, hồ sơ sẽ nộp đến Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an xã, thành phố thuộc tỉnh.
Khi nhận hồ sơ tách khẩu của người yêu cầu, cán bộ tiếp nhận sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật cư trú để giải quyết. Theo đó, có các trường hợp được xác định như sau:
- Trường hợp hồ sơ, tài liệu đầy đủ và hợp lệ, người nộp sẽ được nhận giấy biên nhận.
- Trường hợp hồ sơ bị thiếu sót hoặc chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn người nộp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, cán bộ tiếp nhận sẽ từ chối tiếp nhận và trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người nộp.
Bước 3: Trả kết quả
Đối với trường hợp đã đáp ứng đủ điều kiện về hồ sơ tách khẩu hợp lệ, đầy đủ thông qua quá trình thẩm định của Cơ quan có thẩm quyền thì sẽ nộp lệ phí, kiểm tra lại các thông tin có trong hồ sơ. Sau đó, phía Cơ quan công an thực hiện việc cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến thủ tục tách khẩu vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cuối cùng sẽ thông báo đến người đăng ký về cập nhật thông tin dữ liệu.
4. Sau khi ly hôn chưa tách khẩu có bị xử phạt không?
Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có nêu “Trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, pháp luật vẫn cho phép vợ hoặc chồng sau khi ly hôn thuận tình gặp khó khăn được ở lại nhà cũ. Tuy nhiên, thời hạn được cư trú tại đây chỉ trong khoảng 06 tháng.
Trong trường hợp sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng có đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nơi ở mới mà không thực hiện thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể mức phạt từ 100.000 đồng – 300.000 đồng căn cứ tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ – CP. Vì vậy, sau khi ly hôn, nếu đã có đủ điều kiện về đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 Luật Cư trú thì cần thực hiện thủ tục này để tránh bị xử lý theo pháp luật hành chính nêu trên.