Trước và sau ly hôn cần chuẩn bị những gì?
Ly hôn là một hiện tượng xảy ra trong xã hội, khi mà giữa các bên vợ chồng hoặc một trong hai người không còn muốn duy trì đời sống hôn nhân bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, để tiến hành thủ tục này một cách thuận lợi, đạt đúng với yêu cầu, nguyện vọng thì vợ, chồng cần phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết về tư tưởng, tâm lý,… Vậy trước và sau ly hôn yêu cầu cần thiết sẽ là gì?
Mục lục
1. Trước và sau ly hôn cần chuẩn bị những gì?
Ly hôn là phương án cuối cùng khi mâu thuẫn, xung đột giữa hai người không thể giải quyết. Do đó, trước và sau ly hôn các cặp vợ chồng sẽ cần chuẩn bị những điều sau:
1.1. Trước khi ly hôn
Trước khi ly hôn, người yêu cầu cần phải chuẩn bị về tâm lý, tư tưởng. Ngoài ra còn cần phải có kinh tế để đáp ứng một số điều kiện khác, cụ thể như sau:
- Chuẩn bị về tâm lý: Vợ, chồng hoặc cả hai trước khi ly hôn cần chuẩn bị trước về tâm lý, tư tưởng. Ly hôn không phải đơn thuần là câu chuyện chấm dứt chuyện tình cảm giữa hai người mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Ngoài ra, nếu chia tay do hiểu lầm, xung đột,…hai người vẫn có thể làm hòa và quay lại. Tuy nhiên, ly hôn nếu quay lại sẽ vướng khá nhiều thủ tục pháp lý khác.
- Chuẩn bị về tài chính: Việc phát sinh tài chính sẽ xuất hiện khi người làm đơn nộp hồ sơ lên Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, vợ, chồng phải nộp án phí sơ thẩm. Đối với trường hợp không có yêu cầu chia tài sản sẽ là 300.000 đồng. Ngoài ra, tài chính cũng là vấn đề điều kiện cần thiết để giành quyền nuôi con khi phân chia tại Tòa.
- Chuẩn bị về kiến thức pháp luật: Trước khi ly hôn, vợ, chồng hoặc cả hai cần phải nắm bắt cơ bản các quy định của pháp luật về ai có quyền ly hôn, điều kiện được giành quyền nuôi con,… Ngoài ra, còn có chế độ phân chia tài sản, quyền của người không trực tiếp nuôi con,…
1.2. Sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, vợ, chồng cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, bản án của Tòa án đưa ra. Đồng thời, người có quyền trực tiếp nuôi con không được phép hạn chế, cản trở đối phương đến thăm con. Đây là trường hợp khá phổ biến, thường xảy ra trong quá trình giải quyết của Tòa án, hai người vẫn xảy ra xung đột, mâu thuẫn.
2. Khi thực hiện thủ tục ly hôn, hồ sơ cần có bao gồm những gì?
Hồ sơ ly hôn cũng được coi là một bước quan trọng trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật trước và sau ly hôn đã nêu ở phần trên. Do đó, hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn.
- CMND/ CCCD/ Hộ chiếu của hai vợ chồng.
- Hộ khẩu photo có chứng thực.
- Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Giấy tờ chứng thực về tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản).
3. Thủ tục ly hôn sẽ diễn ra như thế nào?
Tùy thuộc vào trường hợp ly hôn, thủ tục sẽ có phần khác biệt. Cụ thể, đơn phương ly hôn và thuận tình ly hôn sẽ tiến hành theo quy trình như sau:
3.1. Đơn phương ly hôn
Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, quy trình của thủ tục này sẽ được tiến hành qua 03 bước, bao gồm:
Bước 1: Thụ lý đơn
Vợ hoặc chồng – người yêu cầu ly hôn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và nộp cho Tòa án có thẩm quyền. Nếu hồ sơ hợp lệ, Tòa sẽ nhận và thụ lý vụ án.
Bước 2: Hòa giải
Sau khi tiếp nhận đơn và thụ lý vụ án, Tòa sẽ yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên Tòa sơ thẩm
Sau khi xét xử, Tòa sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.
3.2. Ly hôn thuận tình
Đối với ly hôn thuận tình, các bên vợ chồng sẽ thực hiện theo các bước cơ bản, cụ thể như sau:
Bước 1: Thụ lý đơn
Vợ chồng chuẩn bị hồ sơ như đã nêu và nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn và mở phiên họp công khai giải quyết
Ở bước này, Tòa sẽ xem xét đơn ly hôn thuận tình, các căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân, thông báo lệ phí tạm ứng. Đồng thời, mở phiên họp công khai giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn.
Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Sau khi hòa giải không thành, Tòa sẽ ra quyết định công nhận ly hôn.
4. Đến đâu nộp đơn ly hôn?
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn sơ thẩm. Do đó, hai vợ chồng có thể thỏa thuận Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc chồng để làm thủ tục. Trong trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, vợ hoặc chồng sẽ nộp đơn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo Điều 37 của Bộ luật này.
Ngoài ra, đối với đơn phương ly hôn, tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý, dù ly hôn đơn phương hay thuận tình ly hôn, các bên vợ, chồng đều không được uỷ quyền ly hôn cho người khác tham gia trong giai đoạn tố tụng, căn cứ theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định.