Trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình thì xử lý như thế nào?
Sự phản bội trong hôn nhân là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Có những người chọn cách sống cam chịu, nhẫn nhịn để có một cuộc sống yên bình; nhưng cũng có những người mạnh mẽ bước qua để tìm kiếm cho mình một hạnh phúc mới. Để ngăn chặn tình trạng ngoại tình xảy ra ngày càng nhiều, pháp luật cũng đã có các chế tài xử lý nghiêm khắc để giải quyết vấn đề này.
Giải quyết ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự
Ly hôn khi bị đơn đang sinh sống tại nước ngoài
Ly hôn
Theo cách hiểu thông thường, ngoại tình là hành vi có quan hệ bất chính với người khác khi đang có vợ hoặc chồng. Hành vi ngoại tình đã vi phạm các nghĩa vụ của vợ/ chồng được pháp luật ghi nhận. Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ thực hiện các công việc gia đình; đồng thời vợ chồng cũng phải có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp do vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc có lý do chính đáng. Khi một trong hai bên vợ chồng vi phạm nghĩa vụ chung thủy trong hôn nhân, lén lút hoặc cố ý ngoại tình với người thứ ba đều có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.
Điểm a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được nêu rõ: “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
Từ quy định của pháp luật có thể thấy, người nào đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ bị xử lý hành chính. Trong thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT- BTP- TANDTC-VKSNDTC ngày 25/09/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của bộ luật hình sự năm 1999 giải thích: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trình quan hệ đó”. Như vậy, trường hợp vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm với người khác nhưng không thỏa mãn được các yếu tố chứng minh như có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng; có tài sản chung; đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó thì cũng không bị xử lý hành chính.
Bộ luật hình sự năm 2015 cũng có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 cụ thể như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi pham.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Như vậy, không phải cứ vợ hoặc chồng đi ngoại tình dẫn đến ly hôn thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ chỉ khi nào người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì mới có thể xem xét xử lý hình sự.
Trong thực tế cuộc sống hiện nay, ngoại tình trở lên ngày càng phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này bằng hình phạt của pháp luật thì không phải là điều dễ dàng.