Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt vợ hoặc chồng
Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt vợ hoặc chồng thì có được tòa án giải quyết hay không? Ai có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt? Cần hòa giải khi ly hôn thuận tình không? Luật sư Hôn nhân Gia đình sẽ giải đáp cho các bạn trong bài viết sau đây.
Mục lục
Điều kiện, thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt
Điều kiện:
Thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, để được xác định là thuận tình ly hôn, cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn;
- Đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Thẩm quyền:
Về nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án sẽ được phân định như sau: Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo vụ việc, Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, Thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
- Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo vụ việc.
Căn cứ điều 28, 29 BLTTDS 2015 thì những tranh chấp và những yêu cầu về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ.
Điểm h, khoản 1, điều 39 BLTTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
“Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”
- Thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
Điều 40 BLTTDS 2015 quy định nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
+ Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
+ Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
+ Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Đối chiếu các quy định trên thì Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn hay thủ tục ly hôn vắng mặt sẽ thuộc Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi vợ/chồng cư trú.
Thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?
Điều 52 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau: Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Như vậy, với quy định trên, thì việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là giai đoạn không bắt buộc, có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng.
Khi giải quyết thủ tục ly hôn, hòa giải là thủ tục bắt buộc tại Tòa án. Điều này được quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, dù là ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải, nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp thuận tình ly hôn vắng mặt thì không thể hòa giải được, bởi để hòa giải thì phải có hai bên, nếu một hoặc cả hai bên vắng mặt thì không thể hòa giải được.
Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt vợ hoặc chồng có được không?
Căn cứ vào quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
Điều 367. Những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự:
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án. Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.”
Như vậy, theo quy định tại điều trên thì trong phiên họp giải quyết việc dân sự thì người yêu cầu ly hôn phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án. Người yêu cầu ly hôn vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp có đơn xin ly hôn vắng mặt gửi Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.
Trường hợp người yêu cầu ly hôn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp vợ chồng đều đồng thuận ly hôn và việc phân chia tài sản, quyền nuôi con,… đã được thỏa thuận.
Tuy nhiên vì một số lý do chính đáng mà vợ hoặc chồng không có mặt tại Tòa để giải quyết ly hôn thuận tình. Nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì yêu cầu thuận tình ly hôn vẫn đươc Tòa chấp thuận và thủ tục ly hôn vắng mặt vẫn được thực hiện.