Phân chia di sản thừa kế
Việc phân chia di sản thừa kế dù là thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật đều phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu việc phân chia di sản thừa kế diễn ra như thế nào?
Mục lục
1. Căn cứ phân chia di sản thừa kế
1.1. Phân chia theo thỏa thuận
Việc phân chia di sản thừa kế trước hết được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận của những người thừa kế. Mọi sự thỏa thuận đều phải được lập văn bản, hoặc phải được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
Khi việc thỏa thuận giữa những người thừa kế không đạt kết quả thì pháp luật buộc phải phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật:
1.2. Phân chia theo di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong trường hợp có di chúc, việc phân chia tài sản thừa kế sẽ dựa trên nội dung trong di chúc nhằm tôn trọng ý chí, nguyện vọng của người đã mất. Phân chia di sản theo di chúc được thực hiện như sau:
- Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;
- Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Mặt khác, bên cạnh việc tôn trọng ý chí nguyện vọng của cá nhân trong di chúc, pháp luật cũng đã có những quy định về việc thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế. Theo quy định của pháp luật, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc những người không có quyền hưởng di sản như: người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;…
1.3. Phân chia theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Việc phân chia tài sản thừa kế được thực hiện trong trường hợp: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Dịch vụ tư vấn liên quan đến phân chia di sản thừa kế
2.1. Khai nhận, từ chối, phân chia di sản thừa kế
Khoản 1 Điều 676 quy định, phần di sản để lại sẽ được phân chia đều theo hàng thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).
Nếu có người từ chối nhận di sản có thể lập thành văn bản và thực hiện tại phòng công chứng (Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.)
Đối tượng được quyền khai nhận, từ chối, phân chia di sản thừa kế: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Thời hạn khai nhận, từ chối, phân chia di sản thừa kế: 32 ngày
Giấy tờ cần thiết khi khai nhận, từ chối, phân chia di sản thừa kế
- Tờ khai thừa kế theo mẫu;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Giấy tờ chứng minh về việc có hoặc không có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động);
- Di chúc;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của những người thuộc diện thừa kế;
- Hộ khẩu của những người thuộc diện thừa kế;
- Văn bản từ chối nhận di sản, văn bản tặng cho quyền hưởng di sản;