Đơn ly dị (ly hôn) có hình thức như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn ly hôn hoàn toàn có thể có được theo nhiều cách thức khác nhau. Bạn có thể viết tay, đánh máy hoặc cũng có thể tải mẫu đơn có sẵn để điền thông tin, hay để chắc chắn bạn cũng có thể đến Tòa án mua mẫu đơn ly hôn in sẵn. Bài viết hôm nay chúng tôi cùng các bạn tìm hiểu đơn ly dị có hình thức như thế nào?
Mục lục
1. Đơn ly dị có những hình thức nào?
Hiện nay, tùy vào tình hình thực tế, sự thỏa thuận của hai vợ chồng mà lựa chọn cách viết đơn ly hôn cho phù hợp. Bạn có thể lựa chọn một trong hai loại đơn ly hôn sau đây để soạn thảo:
- Đơn ly hôn đơn phương: Là đơn ly hôn theo yêu cầu từ một bên, tức là ly hôn theo yêu cầu ly hôn từ người vợ hoặc yêu cầu ly hôn từ người chồng. Hai vợ chồng chưa thỏa thuận thống nhất và còn tranh chấp với nhau về những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản;
- Đơn yêu cầu về việc công nhận thuận tình ly hôn: Là đơn ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng sau khi đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và thực hiện việc cấp dưỡng cho con.
2. Cách viết đơn ly hôn
Đơn ly hôn năm 2022 thường gồm những nội dung như sau:
Thứ nhất, về mặt hình thức
Có quốc ngữ, tiêu ngữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Loại giấy tờ “Đơn ly hôn đơn phương hoặc Đơn yêu cầu về việc công nhận thuận tình ly hôn”.
Thứ hai, về chủ thể
Sẽ bao gồm thông tin:
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn: Ghi rõ Tòa án có thẩm quyền giải quyết;
- Vợ, chồng: Ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác.
Thứ ba, về nội dung
Về hôn nhân: Trình bày rõ thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống tại đâu và hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không. Ghi rõ mục đích làm đơn ly hôn để đề nghị Tòa giải quyết việc ly hôn.
Về con chung và cấp dưỡng: Số lượng con chung, họ và tên con, ngày sinh… Trình bày mong muốn nguyện vọng về việc nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc thỏa thuận giữa hai vợ chồng về việc nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng.
Về tài sản chung: Ghi rõ tài sản của hai vợ chồng gồm những tài sản nào? Người nộp đơn, cần trình bày rõ nguyện vọng trong việc phân chia tài sản đó hoặc thỏa thuận giữa hai vợ chồng về việc phân chia tài sản.
Về nợ chung: Nếu có nợ chung thì ghi cụ thể số nợ, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ… và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Hoặc nêu rõ thỏa thuận giữa hai vợ chồng về việc giải quyết nợ chung.
3. Các tài liệu khác cần có để thực hiện thủ tục ly hôn hợp pháp
Thủ tục ly hôn được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền tương tự như các vụ việc dân sự hoặc vụ án dân sự. Vì vậy, ngoài đơn ly hôn bạn cần chuẩn bị thêm các tài liệu khác để hoàn thiện hồ sơ bao gồm:
- Bản chính Giấy đăng ký kết hôn: Giấy đăng ký kết hôn phải cung cấp bản chính, không được tẩy xóa, làm rách;
- Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
- Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân thân của vợ, chồng: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân;
- Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con chung;
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); đăng ký xe; sổ tiết kiệm…
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quá trình hôn nhân không thể tiếp tục (nếu có).
Nếu vụ án ly hôn có phân chia tài sản thì án phí và tạm ứng án phí như sau:
- Từ 06 triệu đồng trở xuống án phí là 300.000 đồng;
- Từ trên 06 – 400 triệu đồng án phí là 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng;
- Từ trên 800 triệu đồng – 02 tỷ đồng thì án phí là 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng;
- Từ trên 02 – 04 tỷ đồng thì án phí là 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng;
- Từ trên 04 tỷ đồng án phí là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng.
Mức tạm ứng sẽ là Bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, hay những vụ ly hôn không chia tài sản thì mức án phí bằng mức tạm ứng án phí là 300.000 đồng.
Trừ những trường hợp được miễn án phí và tạm ứng án phí thì tất cả những trường hợp nộp đơn đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn đều phải đóng án phí.