Đơn mẫu ly hôn đơn phương
Ly hôn đơn phương được xem là một vụ án dân sự, bạn cần nộp đơn khởi kiện ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được tiếp nhận và xử lý theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự mà pháp luật đã quy định. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu đơn mẫu ly hôn đơn phương.
Mục lục
1. Cách viết đơn mẫu ly hôn đơn phương
Phần chung:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
Ngoài thông tin chung, khi viết đơn ly hôn đơn phương bạn cần chú ý đến các mục sau:
Về quan hệ hôn nhân: Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Có thể thấy, căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp ly hôn đơn phương có thể kể đến:
- Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình;
- Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng;
- Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Về con chung: Người xin ly hôn đơn phương phải trình bày rõ vợ chồng có mấy người con, yêu cầu đối với quyền nuôi con cũng như cấp dưỡng như thế nào. Nếu muốn nuôi con thì yêu cầu người còn lại cấp dưỡng bao nhiêu? Hoặc bản thân có thể cấp dưỡng bao nhiêu để người kia được nuôi con.
Về tài sản chung: Về nguyên tắc, nếu trong thời kỳ hôn nhân có tài sản chung thì khi ly hôn tài sản đó sẽ chia đôi. Tuy nhiên, Tòa sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết định phân chia tài sản như thế nào. Các căn cứ như:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Do vậy, cần phải ghi rõ thông tin và đề nghị chia tài sản chung. Nếu không có thì cũng nêu rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
Về nợ: Nếu trong quá trình sinh sống, hai vợ chồng có công nợ chung và muốn Tòa chia thì cũng nêu rõ thông tin, căn cứ và yêu cầu chia các khoản nợ đó. Nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.
2. Tài sản sau khi ly hôn đơn phương được xử lý như thế nào?
Trong thời gian hôn nhân, vợ chồng chung sống sẽ tạo lập được các khối tài sản chung và tài sản riêng để phục vụ đời sống hôn nhân. Về nguyên tắc, nếu hai vợ chồng chưa có bất kỳ thỏa thuận thống nhất nào về vấn đề chia tài sản; pháp luật có định hướng như sau:
Thứ nhất, các tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân vẫn thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
Thứ hai, đối với tài sản chung về nguyên tắc sẽ được chia đôi. Tuy nhiên sẽ xét thêm các yếu tố tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
3. Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đơn phương ly hôn, người có yêu cầu cần nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú và làm việc. Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận, huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án sau khi nhận được đầy đủ các tài liệu trên.
Như vậy, để có thể tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn một cách nhanh nhất, người có yêu cầu cần chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa thời gian phát sinh trong trường hợp phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết cũng phụ thuộc vào sự hợp tác của vợ, chồng (người không đồng ý ly hôn) trong việc lên tòa theo triệu tập của Tòa án để làm việc cũng như sự phức tạp của vụ việc (ví dụ: tranh chấp về con, tranh chấp về tài sản – nếu có).