Hướng dẫn phân chia tài sản chung của vợ chồng
Thực trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thủ tục đó có thể xuất phát từ ý chí của cả hai bên hoặc của một bên vợ, chồng. Thủ tục này không chỉ phân định rõ lại quan hệ vợ chồng mà còn liên quan đến vấn đề tài sản. Trên thực tế các vướng mắc khi phân chia tài sản chung trong hôn nhân chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì nhiều lý do khiến cho vợ chồng không thể thoả thuận được dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Như vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên cần nắm rõ những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành về việc chia tài sản sau ly hôn.
Mục lục
Xác định tài sản cần phân chia
Việc chia tài sản ly hôn thường chỉ liên quan đến phần tài sản chung của vợ và chồng. Do vậy để bảo đảm quyền lợi của mình các bên cần biết cách xác định rõ đâu là tài sản có thể phân chia. Về nguyên tắc thì tài sản riêng của bên nào vẫn sẽ thuộc sở hữu của bên đó mà bên còn lại không có quyền tác động. Ngược lại với tài sản chung thì theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đây là tài sản chung hợp nhất. Vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Tài sản được xác định là tài sản chung có thể phân chia được quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật này. Theo đó đây là tài sản gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Việc chia tài sản là tài sản chung sẽ có 2 khuynh hướng để áp dụng. Trong đó pháp luật sẽ ưu tiên cho sự thoả thuận giữa các bên. Nếu vẫn không thoả thuận được thì Toà án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Toà án sẽ đưa ra quyết định dựa trên các cơ sở sau:
– Tài sản chung được chia đôi cho vợ và chồng. Tuy nhiên việc chia đôi này còn phải cân nhắc thêm các yếu tố như: hoàn cảnh, công sức đống góp,.. để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi bên
– Phân chia bằng hiện vật hoặc giá trị tương đương. Nếu có sự chênh lệch thì thực hiện theo nguyên tắc chênh lệch bao nhiêu thì có nghĩa vụ chi trả bấy nhiêu.
– Chỉ phân chia nhóm tài sản chung
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ; của con chưa đủ 18 tuổi; con trên 18 tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc là không có khả năng lao động, không có tài sản và khả năng để nuôi sống bản thân.