Cha mẹ giữ lì xì Tết của con cái có vi phạm pháp luật không?
Mục lục
1. Cha mẹ giữ lì xì Tết của con có được xem là vi phạm pháp luật không?
Có rất nhiều phụ huynh thắc mắc: “Lấy tiền lì xì của con có bị phạt không?”. Theo quy định tại Điều 58 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi bạo lực về kinh tế, người có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ phải chịu phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Điều này chỉ áp dụng khi có hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng” của thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em…
So với quy định trước đây tại điểm a, khoản 2, Điều 56, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (từ 500.000 đến 1.000.000 triệu đồng), mức phạt đã tăng đáng kể.
Tuy nhiên, để xác định việc cha mẹ lấy tiền lì xì của con bị phạt bao nhiêu, cơ quan chức năng cần xem xét liệu đây có phải là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con” hay không.
Thuật ngữ “chiếm đoạt tài sản” được hiểu là hành động gian dối, ngang nhiên và công khai chiếm đoạt tài sản của người khác, làm cho người khác không còn được quyền sử dụng tài sản của riêng mình nữa.
Nếu việc giữ tiền lì xì của con được thực hiện với mục đích tiết kiệm và sử dụng đúng mục đích hỗ trợ cho con trong các hoạt động khác mà không liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của con, thì không bị áp đặt mức phạt.
2. Tiền lì xì Tết của trẻ có phải tài sản riêng của con không?
Để trả lời cho câu hỏi về việc cha mẹ giữ tiền lì xì trong dịp Tết của trẻ em có được xem là hành vi trái pháp luật không, thì việc quan trọng nhất là bạn cần xác định liệu tiền lì xì có phải là tài sản riêng của con trẻ hay không.
Thường thì, trong mỗi gia đình, pháp luật đều có quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản riêng đối với mỗi thành viên, kể cả trẻ em. Theo đó, Điều 75 của Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về quyền sở hữu tài sản riêng của con sẽ được trình bày cụ thể như sau:
Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Theo quy định này, con nhỏ hoàn toàn được quyền sở hữu tài sản riêng. Cụ thể, tài sản riêng của con sẽ bao gồm các trường hợp sau đây:
- Tài sản được thừa kế hoặc tặng cho riêng con.
- Thu nhập từ công việc lao động của con.
- Lợi nhuận và hoa lợi từ các tài sản riêng khác của con và các nguồn thu nhập hợp pháp khác.
Do đó, mỗi khi Tết đến và con nhận được tiền lì xì từ cha mẹ, người thân hoặc họ hàng, con có quyền tự giữ và quản lý số tiền lì xì của mình.
3. Trẻ em từ bao nhiêu tuổi sẽ được tư giữ tiền lì xì Tết?
Theo điều 76 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:
- Trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản riêng hoặc ủy quyền cho cha mẹ quản lý.
- Đối với tài sản riêng của trẻ dưới 15 tuổi, khi trẻ mất khả năng hành vi dân sự, cha mẹ sẽ đảm nhận quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của trẻ. Tài sản riêng này sẽ được chuyển trả lại cho trẻ khi trẻ đủ 15 tuổi hoặc khi trẻ khôi phục đầy đủ khả năng hành vi dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa cha mẹ và trẻ.
- Cha mẹ không được quản lý tài sản riêng của trẻ trong các tình huống như trẻ đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp người tặng hoặc để lại tài sản theo di chúc cho trẻ đã chỉ định người khác quản lý hoặc trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Nếu cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của trẻ chưa thành niên và trẻ trở mất khả năng hành vi dân sự và nếu trẻ được giao cho người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản riêng của trẻ sẽ được chuyển giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là giải đáp chi tiết về thắc mắc: “Cha mẹ giữ hộ tiền lì xì Tết của con có bị phạt không?” Nếu có thêm câu hỏi hoặc cần sự hỗ trợ chi tiết, bạn đọc có thể liên hệ hotline Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam 1900.599.995 để nhận được giải đáp thông tin chi tiết nhất nhé!