QUYỀN THĂM NOM CON SAU KHI LY HÔN
Khi ly hôn, nhiều người chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái; hoặc họ hiểu, nhưng vì những hiềm khích cá nhân cùng sự ích kỷ vị thân mà gây khó dễ đến quyền thăm nom con sau khi ly hôn của người còn lại
Khi vợ chồng ly hôn thì quan hệ hôn nhân chấm dứt, nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con cái là quan hệ huyết thống kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng tôn trọng, thực hiện đúng nghĩa vụ và vai trò của mình trong mối quan hệ này, phổ biến là tình trạng người nuôi con cố tình gây khó, ngăn cản người kia thăm nom và chăm sóc con chung.
Mục lục
Pháp luật quy định như thế nào về quyền thăm nom con sau khi ly hôn?
Theo Điều 82 Luật HNGĐ 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Theo Điều 83 Luật này quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “(1) Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định về nghĩa vụ của cha mẹ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. (2) Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định rõ: sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ.
Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, hành vi gây khó, cản trở quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Làm gì khi bị vi phạm quyền thăm nom con sau khi ly hôn?
Khi bị một bên cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Người không trực tiếp chăm sóc con có thể thực hiện các bước sau::
- Bước một, nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng người kia gây khó khăn, cản trở.
- Bước hai, đến trường làm đơn xác nhận, xin sao chụp hồ sơ học bạ, sổ liên lạc… để minh chứng tình trạng sức khỏe, hạnh kiểm và học lực của bé.
- Bước ba, làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án Tòa
Sau đó, cơ quan Thi hành án sẽ mời các bên đến làm việc, người trực tiếp chăm sóc sẽ cam kết về việc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm con, không gây khó nữa. Nội dung này được ghi vào biên bản, có ký tên đóng dấu của cơ quan thi hành án. Nhưng nếu người trực tiếp chăm sóc con không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận thì bên không trực tiếp chăm sóc được quyền gửi đơn đến Tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Với những chứng cứ và quy trình đã làm, Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu của người nộp đơn, quyết định cho thay đổi người nuôi con một cách thuyết phục.
Trong thực tế, người trong cuộc chỉ chú trọng và yêu cầu thi hành về phần cấp dưỡng nuôi con, ít ai nghĩ đến yêu cầu thi hành về việc thăm nom, chăm sóc con. Như vậy, nếu người nuôi con không thi hành việc “cho thăm con” thì người kia có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Pháp luật đã có quy định đầy đủ về vấn đề thăm con sau ly hôn, trong đó có các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Nếu phát hiện có những hành vi gây khó, cản trở việc thăm con thì người trong cuộc nên mạnh dạn nhờ đến pháp luật và các cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ, thi hành, xử phạt hành chính v.v…