TÒA ÁN QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN NHƯ THẾ NÀO?
Trong rất nhiều vụ án ly hôn, việc tranh chấp con cái là một vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, khi mà cả cha và mẹ đều muốn là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Vậy trong tình huống này, Tòa án sẽ giải quyết dựa trên căn cứ nào?
Mục lục
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn
Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hai vợ chồng tiến đến quyết định ly hôn. Bên cạnh tài sản, con cái là việc mà vợ chồng phải thỏa thuận với nhau. Pháp luật đã quy định rõ về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn.
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định về quyền của cha mẹ đối với con cái sau ly hôn như sau: “cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…”
Như vậy, theo quy định của Pháp luật cũng như theo lẽ thường tình thì yêu thương, chăm sóc và giáo dục tốt cho con cái là điều kiện tiên quyết khi thực hiện quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ, ngay cả khi cha mẹ vẫn còn trong thời kỳ hôn nhân, đã quyết định ly hôn hay sau khi ly hôn.
Tòa án căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?
Cũng theo Điều 81 của Luật Hôn nhân gia đình, vợ chồng tự thỏa thuận với nhau và được Tòa án ghi nhận trong bản án khi hai người ly hôn. Nếu hai bên không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tóa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để giải quyết: độ tuổi của con, quyền lợi của con về mọi mặt và nguyện vọng của con.
1. Căn cứ vào độ tuổi của con
Căn cứ vào độ tuổi của con để ra quyết định ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là điều kiện đầu tiên để Tòa án ra quyết định. Có ba mức tuổi quan trọng để làm căn cứ khi Tòa án suy xét con sẽ ở với cha hay mẹ:
+ Con dưới 36 tháng tuổi: được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
+ Con trên 36 tháng tuổi nhưng chưa đủ 07 tuổi: căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
+ Con từ đủ 07 tuổi trở lên: ngoài căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con Tòa án còn xem xét nguyện vọng của con.
2. Căn cứ quyền lợi về mọi mặt của con
Để chọn người trực tiếp nuôi con trong vụ án ly hôn, nhất là trong trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận việc nuôi con chưa thành niên thì cần phải chọn người có khả năng bảo đảm quyền lợi về mọi mặt cho con, Tòa án sẽ dựa vào các yếu tố nào để đánh giá cha hay mẹ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?
Theo tinh thần của Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình, khi ra quyết định cho con ở với ai, Tòa án sẽ xem xét quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, đảm bảo việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của trẻ.
Bên cạnh đó, Tòa án còn xem xét những thói quen của bậc làm cha, mẹ để đảm bảo trẻ được sống trong môi trường lành mạnh nhất. Như vậy, bên nào tạo điều kiện tốt hơn cho con thì sẽ được quyền ưu tiên là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
3. Căn cứ vào nguyện vọng của con
Ngoài những căn cứ đã nêu trên, khi vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và có con trên 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con. Tuy nhiên, nguyện vọng muốn ở với cha hay mẹ của trẻ không phải cơ sở duy nhất mà chỉ có ý nghĩa là một trong các điều kiện để Tòa án xem xét, đánh giá trong việc ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Như vậy, để ra quyết định ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tòa án phải căn cứ vào nhiều yếu tố để đảm bảo con trẻ được thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng và bảo vệ. Cha, mẹ sau khi ly hôn không chỉ phải chăm lo cho đời sống vật chất, mà còn đời sống tinh thần, việc học tập và giáo dục con cái trở thành người tốt và cống hiến cho xã hội. Vì thế, cha hoặc mẹ đảm bảo được những điều này nêu trên sẽ được Tòa án suy xét về việc chăm nuôi con.