CẢN TRỞ QUYỀN THĂM NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Sau khi ly hôn, quyền thăm nuôi con của người không trực tiếp nuôi con luôn được pháp luật bảo hộ. Vậy cha, mẹ phải làm thế nào trong trường hợp bị cản trở quyền thăm nuôi con?
Mục lục
Trách nhiệm của cha mẹ với con cái
Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình, cha mẹ phải có nghĩa vụ thương yêu, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình và công dân có ích cho xã hội, kể cả khi quan hệ hôn nhân của cha mẹ rơi vào tình trạng trầm trọng và không thể kéo dài.
Trong trường hợp, cha mẹ đi đến quyết định ly hôn, việc chia tài sản và đặc biệt là quyền chăm sóc con sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ yêu cầu tòa giải quyết. Cho dù sau khi ly hôn, quyền nuôi con thuộc về ai đi chăng nữa thì cả cha và mẹ đều vẫn phải có bảo đảm trách nhiệm đối với con.
Quyền thăm nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con
Ngoài nghĩa vụ cấp dưỡng và tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi thì Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 83 quy định “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Pháp luật luôn tôn trọng và bảo hộ quyền thăm nom con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi con. Quy định này nhằm mục đích giúp trẻ không thiếu thốn tình cảm của cha hoặc mẹ khi bố mẹ đã ly hôn.
Cản trở quyền thăm nuôi con
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi ly hôn vợ chồng luôn muốn chấm dứt tất cả quan hệ đối với người còn lại. Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm và trong bản án của Tòa án cũng luôn nêu rõ quyền thăm nuôi con nhưng người trực tiếp nuôi con luôn tìm mọi cách để ngăn cản quyền thăm nuôi con của đối phương.
Để đảm bảo tính răn đe cũng như thực thi quyền của người không trực tiếp nuôi con, pháp luật cũng đưa ra chế tài để xử lý hành vi ngăn cản quyền thăm nuôi con sau ly hôn. Tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình như sau:
“Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Như vậy, hành vi cố tình ngăn cản việc thăm nuôi con sau khi ly hôn được coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Khi bị ngăn cản quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã nơi người trực tiếp nuôi con cư trú can thiệp buộc dừng hành ngay hành vi vi phạm, chấp hành đúng các quy định về chế độ thăm nuôi con theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Quy định quyền thăm nuôi con sau ly hôn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Mặc dù gia đình không còn toàn vẹn như trước xong vẫn cố gắng đảm bảo những con trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương và trách nhiệm của cha hoặc mẹ, mặc dù người đó không trực tiếp sống cùng trẻ. Là người trực tiếp nuôi con, những người cha người mẹ nên tạo điều kiện để đối phương thăm nom con thường xuyên. Đừng để tính ích kỷ của bản thân làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ cũng như vi phạm pháp luật.