Giải quyết ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự
Trong cuộc sống hiện tai, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng ly hôn diễn ra ngày càng phổ biến. Đặc biệt trong số đó có những trường hơp một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, bên còn lại mong muốn được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Vậy pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào?
>> Ly hôn khi bị đơn đang sinh sống tại nước ngoài
>> Ly hôn
>> Ly hôn khi con dưới 1 tuổi
Người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Căn cứ để xác định một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không là phải có Quyết định cuối cùng của Tòa án tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng thì:
“3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết ly hôn.”
Từ quy định của pháp luật có thể nhận thấy, khi một bên vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, bên còn lại có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ chỉ định người khác làm người đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết ly hôn. Căn cứ vào khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giám hộ đó là:
“1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ đương nhiên đại diện giải quyết việc ly hôn tại Tòa án nếu có yêu cầu được xác định như sau:
- Trường hợp một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Như vậy, nếu người bị mất năng lực hành vi dân sự có con đủ điều kiện làm người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên được xác định là con cả; tiếp đến là người con tiếp theo. Nếu không có con hoặc có con nhưng không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Sau khi thực hiện thủ tục tuyên bố vợ/ chồng mất năng lực hành vi dân sự thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo thủ tục chung. Hồ sơ ly hôn bao gồm các giấy tờ như sau:
- Đơn xin ly hôn;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao có chứng thực chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của vợ và chồng;
- Bản sao có chứng thực Giấy khai sinh của con;
- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có tranh chấp).
Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn (người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) có thẩm quyền thụ lý giải quyết.