Ba mẹ ly hôn con cái ở với ai theo quy định pháp luật?
Ly hôn là một hiện tượng của xã hội, thường xảy ra khi không còn giải pháp nào khác. Ly hôn được chia thành hai trường hợp, bao gồm thuận tình và đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, kéo theo sự kiện chấm dứt quan hệ hôn nhân sẽ còn nhiều vấn đề pháp lý khác phát sinh, trong đó phải kể đến vấn đề phân chia quyền nuôi con. Vậy ba mẹ ly hôn con cái ở với ai?
Mục lục
1. Tại sao pháp luật có quy định về chia quyền nuôi con khi ba mẹ ly hôn?
Thông thường, khi ly hôn, rất ít trường hợp hai người có thể cùng nhau thỏa thuận được việc phân chia quyền nuôi con. Điều này thực tế cũng dễ hiểu bởi con cái chính là tài sản vô giá mà ba mẹ luôn muốn mình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, nhằm điều chỉnh những xung đột, tranh chấp trong quá trình giành quyền nuôi con, pháp luật đã đưa ra các quy định điều chỉnh cho từng trường hợp, quyền và nghĩa vụ các bên,… để Tòa án dễ dàng giải quyết.
2. Ba mẹ ly hôn con cái ở với ai? Để giành quyền nuôi con thì phải làm gì?
Cha mẹ ly hôn con cái ở với ai cũng như cách thức để giành quyền nuôi con chắc hẳn là băn khoăn của nhiều cặp vợ chồng khi thực hiện thủ tục ly hôn. Để giải đáp thắc mắc này, sau đây chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến vấn đề này.
2.1. Ba mẹ ly hôn con cái ở với ai?
Căn cứ theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền nuôi con được xác định như sau:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, quyền nuôi con sẽ do cha mẹ tự thỏa thuận với nhau. Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp thỏa thuận không được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Việc giao quyền nuôi con của Tòa án sẽ dựa trên những điều kiện có lợi cho con.
Đối với con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con. Trong trường hợp con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ sẽ trực tiếp nuôi. Nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng thì người cha có quyền yêu cầu Tòa án phân chia lại quyền nuôi con.
2.2. Để giành quyền nuôi con thì phải làm gì?
Thông thường, giành quyền nuôi con sẽ xảy ra trong trường hợp ly hôn đơn phương, khi hai vợ chồng không thể thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con. Do vậy, để giành quyền nuôi con, vợ hoặc chồng cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đầy đủ điều kiện về vật chất: Vật chất ở đây được xác định dựa trên mức thu nhập hàng tháng, tài sản tích lũy, tài sản được cho tặng hoặc thừa kế,…
- Có đầy đủ điều kiện về tinh thần: Được xác định dựa trên thời gian bên cạnh con, chăm sóc, dạy dỗ con, thường xuyên có điều kiện bồi dưỡng cho con phát triển về trí tuệ, tâm sinh lý,…
- Về phẩm chất, đạo đức: Không có tiền án, tiền sự, không có những hành vi bạo lực gia đình, đánh đập con cái hoặc ngoại tình,…
Để chứng minh được điều này, vợ hoặc chồng cần chuẩn bị những tài liệu có trong hồ sơ như giấy tờ về quyền sở hữu tài sản, bảng lương, lý lịch,… Đồng thời, nếu có bằng chứng đối phương vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của con thì phải nộp lên Tòa án giải quyết.
3. Khi ly hôn mà không trực tiếp nuôi con, ba mẹ có được thăm con không?
Trong trường hợp Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định ly hôn, phân chia quyền nuôi con thì cha mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn có thể đến thăm con mà không bị bất kỳ ai cản trở.
Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, cha mẹ không trực tiếp nuôi con hoàn toàn có thể đến thăm con. Tuy nhiên, không được lạm dụng việc này để gây ảnh hưởng xấu đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con của đối phương.