Cách xử lý bạo lực gia đình
Ngày nay, trái ngược với bức tranh đẹp đẽ về sự phát triển của nền kinh tế, khoa học và công nghệ. Tình trạng bạo hành gia đình ngày càng gia tăng, mà đối tượng chủ yếu bị nhắm vào lại chính là những người yếu ớt, cần được bảo vệ nhất, là phụ nữ và trẻ em.
Số phận long đong, cô gái trẻ chết dưới tay chồng hề
Góc khuất lạnh của công nghệ sinh con theo ý muốn
Người chuyển giới bị lừa làm giấy tờ tùy thân giả
Mục lục
Bạo lực gia đình là gì ?
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.[1]
Các hành vi bạo lực gia đình được phân loại thành các nhóm hành vi sau đây:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.[2]
Cũng theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình không chỉ được hiểu là những hành vi như đã nêu diễn ra giữa vợ chồng, con cái mà còn có thể được hiểu là hành vi bạo hành giữa vợ, chồng đã ly hôn và giữa những người chung sống với nhau như vợ chồng.
Vì vậy, khi nhận thấy chồng, chồng cũ hoặc người đang sống cùng như vợ chồng thực hiện các hành vi thuộc những nhóm hành vi nêu trên, phụ nữ cần nhận thức được rằng mình đang bị bạo hành gia đình và cần phải mạnh dạn lên tiếng để nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng quy định pháp luật và chấm dứt nạn bạo hành gia đình.
Chế tài đối với bạo lực gia đình ?
Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình phải chịu các chế tài bào gồm: các biện pháp ngăn chặn bảo vệ, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, ngoài nghĩa vụ kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nếu nạn nhân bị bạo lực gia đình gửi đơn yêu cầu đến Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Tòa án yêu cầu áp dụng biện pháp này, biện pháp này có nghĩa là cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân. Để đảm bảo biện pháp cấm tiếp xúc này được thực hiện một cách nghiêm túc thì người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình còn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định Số 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Tùy từng hành vi bạo lực gia đình, có thể bị xử phạt từ 100.000đ đến 2.000.000đ. Ngoài ra, người thực hiện hành vi bạo lực có thể bị buộc phải xin lỗi công khai, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình của người thực hiện hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để việc chống bạo lực gia đình trở nên hiệu quả?
Để việc chống bạo hành trở nên hiệu quả cần phải có sự phối hợp của cả xã hội, tư tưởng làm lơ khi thấy bạo lực gia đình xảy ra trước mắt mình cần phải được dẹp bỏ. Khi nhìn thấy bạo lực gia đình xảy ra, cần phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư để có biện pháp kịp thời.
Là nạn nhân của bạo lực gia đình cần phải mạnh dạn nhờ cơ quan nhà nước can thiệp, không nên giữ tư tưởng sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Trong mọi trường hợp, cần phải đặt quyền lợi của bản thân lên trước tiên.
Ngoài ra, còn cần sự tích cực và làm việc hiệu quả của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình là một cuộc chiến lâu dài và cần một sự liên kết và phối hợp chặt chẽ của cả xã hội.
[1] Khoản 2 điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình
[2] Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình