Có luật nuôi con khi ly hôn không? Ai được nuôi con?
Đối với hai vợ chồng có con cái, khi ly hôn, hai người thường tranh chấp về việc nuôi con. Lúc này, cả hai đều cần đến luật nuôi con khi ly hôn. Tuy nhiên, khi tìm kiếm luật này, nhiều người sẽ không tìm được bộ luật tương ứng. Vậy có luật nuôi con sau khi ly hôn không và ai sẽ được quyền nuôi con khi ly hôn?
Mục lục
1. Có luật nuôi con khi ly hôn không?
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam không có luật nuôi con khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, nếu tra cứu về quyền nuôi con thì vẫn có bộ luật phù hợp để giải đáp về vấn đề này. Đó là Luật hôn nhân và gia đình 2014. Trong bộ luật này, quyền nuôi con sau ly hôn được quy định chặt chẽ về các vấn đề như:
- Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con, của người gián tiếp nuôi con và của đứa con.
- Trường hợp bị hạn chế quyền thăm nuôi con.
- Trường hợp thay đổi quyền nuôi con.
2. Ai có quyền nuôi con sau khi ly hôn?
Theo chương IV Luật hôn nhân và gia đình 2014, tất cả mọi người đều có thể có quyền nuôi con nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định. Sau đây là nội dung điều kiện dành cho từng đối tượng trực tiếp nuôi con:
2.1. Điều kiện để mẹ được quyền nuôi con sau ly hôn
Để người mẹ được quyền nuôi con thì hai vợ chồng cần thỏa thuận và chấp nhận rằng người mẹ được quyền nuôi con sau ly hôn. Quyết định này sẽ được trình bày trong đơn ly hôn và trước Tòa án.
Nếu hai vợ chồng tranh chấp quyền nuôi con thì Tòa án sẽ là đơn vị đưa ra phán quyết. Đầu tiên, dựa vào độ tuổi của con, nếu con nhỏ hơn 36 tháng tuổi thì mẹ được trực tiếp nuôi con.
Còn nếu con trên 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh sống của người mẹ. Nếu nhận thấy điều kiện của người mẹ tốt hơn so với cha thì Tòa sẽ trao quyền trực tiếp nuôi con cho mẹ. Nếu con trên 7 tuổi và có mong muốn được mẹ trực tiếp nuôi thì Tòa án sẽ xem xét mong muốn này. Khi đó, khả năng cao người mẹ sẽ giành được quyền nuôi con sau ly hôn.
2.2. Điều kiện để cha được quyền nuôi con
Tương tự với mẹ, cha vẫn có quyền trực tiếp nuôi con bằng cách thỏa thuận với người mẹ hoặc chờ Tòa quyết định. Nếu cha thống nhất với mẹ rằng cha là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ công nhận kết quả này.
Nếu cả hai không thống nhất được quyền nuôi con thì Tòa sẽ quyết định dựa vào đứa con. Theo đó, nếu con dưới 36 tháng tuổi thì cha không được trao quyền nuôi con. Tuy nhiên, nếu cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con thì quyền nuôi con sau ly hôn sẽ thuộc về cha.
Nếu con trên 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con sau ly hôn sẽ được trao cho người có điều kiện nuôi con tốt hơn. Theo đó, để có được quyền nuôi con, cha chỉ cần đưa ra bằng chứng về điều kiện vật chất, xã hội, điều kiện vui chơi giải trí và giáo dục con tốt hơn mẹ. Ngoài ra, cha sẽ có quyền nuôi con nếu con trên 7 tuổi và có nguyện vọng được cha nuôi dưỡng, chăm sóc.
2.3. Điều kiện để người giám hộ được quyền nuôi con
Để người giám hộ được nuôi con thì Tòa án phải xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con. Khi này, Tòa án sẽ dựa vào thứ tự ưu tiên của người giám hộ đương nhiên trong Bộ luật dân sự để đưa ra quyết định về quyền nuôi con. Cụ thể như sau:
- Anh hoặc chị ruột là con đầu (con cả) của cha và mẹ.
- Anh hoặc chị ruột tiếp theo sau con đầu.
- Một cá nhân hoặc vài cá nhân là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của con.
- Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của con.
2.4. Điều kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì người trực tiếp nuôi con sẽ bị thay đổi. Những cá nhân, cơ quan, tổ chức như người thân, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
Bên cạnh trường hợp trên, nếu cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi quyền nuôi con theo hướng mang lại lợi ích cho con thì việc thay đổi sẽ được xem xét giải quyết. Ngoài ra, nếu con từ 7 tuổi trở lên có nguyện vọng thay đổi người trực tiếp nuôi con thì việc thay đổi vẫn được xem xét.
3. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ gì?
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Bên cạnh đó, người không thực tiếp nuôi con còn phải cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng cho con được thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trong trường hợp không đưa ra thỏa thuận chung thì Tòa án sẽ giải quyết.
Ngoài ra, cha mẹ không trực tiếp nuôi con còn có quyền và nghĩa cụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Tuy nhiên, nếu việc thăm nom gây cản trở hoặc ảnh hưởng xấu đến việc nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu hạn chế quyền thăm nom.