Điểm khác biệt giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Thực tế hiện nay, khi cuộc sống của vợ chồng lâm vào khủng hoảng mà không thể khắc phục bằng bất kỳ biện pháp nào khác, thì ly hôn chính là biện pháp cuối cùng mà luật cho phép thực hiện. Nhìn chung, ly hôn chia làm hai loại, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu điểm khác biệt giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn nhé.
Mục lục
Định nghĩa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Chấm dứt hôn nhân bằng cách ly hôn là một biện pháp được thừa nhận bởi Pháp luật Việt Nam, là cách mà vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng không muốn tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân nữa. Tùy vào từng trường hợp khác nhau, mà chúng ta sẽ chọn hình thức thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Ly hôn thuận tình là trường hợp cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn. Lúc ấy, Tòa án sẽ xem xét, nếu thấy cả hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc phân chia tài sản, chăm sóc con cái, thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn.
Ngược lại với thuận tình ly hôn, ly hôn đơn phương là trường hợp mà vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và hòa giải tại Tòa không thành, thì Tòa sẽ giải quyết cho ly hôn căn cứ vào việc: vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình; vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điểm giống nhau giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn giống nhau là đều phải nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án, việc chấm dứt quan hệ vợ chồng là dựa vào bản án, và bắt buộc phải hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì và có căn cứ ly hôn, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn.
Điểm khác nhau giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Sau một thời gian chung sống, hôn nhân không thể duy trì nữa là vì không thể đạt được mục đích của nó dẫn đến ly hôn. Cả thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn đều có những điểm đặc biệt riêng mà chúng ta cần lưu ý. Những điểm khác biệt dưới đây giúp chúng ta dễ dàng phân biệt giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.
a. Chủ thể có quyền thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Thuận tình ly hôn thì Pháp luật không hạn chế quyền ly hôn đối với cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp đơn phương ly hôn thì chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
b. Thỏa thuận khi thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Để thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn, thì vợ chồng phải tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân, đồng thời phải thỏa thuận về việc chăm sóc con và phân chia tài sản chung, nợ chung. Sự thỏa thuận này phải đảm bảo quyền lợi của vợ và con.
Ngược lại, nếu một trong hai bên không tự nguyện ly hôn và không thống nhất về việc phân chia tài sản, nợ chung hay nuôi con thì đây là trường hợp đơn phương ly hôn.
c. Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Người nộp đơn thuận tình ly hôn sẽ nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án một trong hai nơi vợ hoặc chồng cư trú.
Trong trường hợp đơn phương ly hôn, phải nộp đơn tại Tòa án nhân dân của bên không đồng ý ly hôn hiện đang cư trú.
d. Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Đối với ly hôn thuận tình, sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày, Tòa án sẽ kiểm tra đơn và gửi thông báo tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án mở phiên hòa giải. Trong 7 ngày làm việc, nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Còn với trường hợp đơn phương ly hôn thì sau 5 ngày nhận đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án phải thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền án phí và người nộp đơn phải giao biên lai nộp án phí tạm ứng để Tòa án xử lý vụ án. Tòa án tiến hành hòa giải và trường hợp hòa giải không thành thì mở phiên tòa xét xử. Thời gian giải quyết là 4 tháng, kể cả trường hợp phức tạp thì chỉ được kéo dài thêm 2 tháng.
e. Tính pháp lý của quyết định thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Trong trường hợp công nhận thuận tình ly hôn thì sau 7 ngày kể từ ngày hòa giải, nếu hai bên vợ, chồng không thay đổi ý kiến thì sẽ được Tòa án công nhận ly hôn.
Tuy nhiên, trong trường hợp đơn phương ly hôn thì sau khi có bản án của Tòa nếu đương sự không đồng ý có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc nhận được bản án.
Như vậy, thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn có nhiều điểm khác biệt, tùy hoàn cảnh, mà mỗi cá nhân tự lựa chọn cho mình hình thức ly hôn phù hợp. Chúng ta cũng cần lưu ý, có khá nhiều trường hợp mà chúng ta rất cần sự tư vấn chuyên nghiệp của Luật sư để có thể hoàn thành thủ tục một cách suôn sẻ và nhanh chóng.