NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HÒA GIẢI KHI LY HÔN
Mục lục
Trên thực tế, thủ tục hòa giải khi ly hôn không phải lúc nào cũng cần hay được thực hiện, nhưng rất ít người biết về điều này.
Trình tự ly hôn thông thường
Ly hôn là hậu quả tất yếu của những cuộc hôn nhân không thể đạt mục đích khi mà mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ở mức độ trầm trọng kéo dài. Ở bất kỳ Tòa án nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ kiểm tra đơn và gửi thông báo tạm ứng án phí
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án
Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải
Bước 5: Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Yêu cầu của pháp luật về hòa giải khi ly hôn
Xét trên tinh thần chung của pháp luật Việt Nam cũng như những nguyên tắc của xã hội, phong tục tập quán luôn khuyến khích việc hòa giải khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Cụ thể, tại Điều 52 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã ghi nhận việc khuyến khích thủ tục hòa giải khi ly hôn ở cơ sở như sau:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Hòa giải khi ly hôn ở cơ sở là việc thôn hay tổ dân phố sẽ bầu hòa giải viên để hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp đặc biệt là giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Theo đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở là việc nên làm, cần thiết để Tòa án lấy đó làm cơ sở để xem xét và quyết định đúng đắn nhất. Nhưng đây là thủ tục không bắt buộc.
Và Điều 54 Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng đã có quy định việc hòa giải khi ly hôn tại Tòa án như sau:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Do đó, thủ tục hòa giải khi ly hôn tại Tòa án là thủ tục bắt buộc, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn. Buổi hòa giải nếu không đạt được kết quả hai bên đoàn tụ thì Tòa án sẽ hòa giải theo hướng để giải thích để các bên thỏa thuận vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, nợ chung,…
Những trường hợp không tiến hành hòa giải khi ly hôn
Theo quy định về thủ tục hòa giải khi ly hôn tại Tòa án tuân theo Luật Tố tụng Dân sự, cũng có những trường hợp không cần hoặc không thể tiến hành hòa giải, cụ thể như sau:
- Trong vụ án ly hôn đơn phương mà bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập hai lần mà vẫn cố tình vắng mặt;
- Đương sự có lý do chính đáng về việc không thể tham gia hòa giải;
- Đương sự là vợ (chồng) bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Một trong các đương sự có đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải.